Chi tiết tin tức
Về đích Basel II sớm hay muộn phụ thuộc sức khỏe ngân hàng
Là ngân hàng mới nhất được NHNN cấp giấy chứng nhận hoàn thành quy định về tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 trước thời hạn, OCB cũng là trường hợp đặc biệt không nằm trong danh sách áp dụng thí điểm của NHNN và được đánh giá có thể tạo “cú hích” để cho nhiều ngân hàng còn lại tăng tốc trong việc thực hiện thành công Basel II.
Ông Nguyễn Đình Tùng
Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với Tổng giám đốc OCB ông Nguyễn Đình Tùng để hiểu hơn lộ trình triển khai Basel II của ngân hàng diễn ra như thế nào để từ đó chia sẻ những kinh nghiệm cho các ngân hàng khi triển khai Basel II.
Ông có thể cho biết, những thách thức mà OCB phải đối mặt trong lộ trình triển khai quy định Thông tư 41?
OCB đã có sự chuẩn bị tương đối lâu. Việc thu thập dữ liệu đã được OCB rậm rịch chuẩn bị cách đây 8 năm. Thời gian đầu, thông tin thu thập chủ yếu mang tính tham khảo. Nhưng kể từ thời điểm ngân hàng triển khai dự án tuân thủ Basel II, thì hoạt động thu thập dữ liệu bắt đầu được thực hiện theo đúng quy định với nhiều yêu cầu thông tin dữ liệu phức tạp. OCB đã triển khai 10 công cụ lớn nhỏ hỗ trợ tích cực cho công tác tín dụng và quản trị rủi ro; nghiên cứu soạn thảo, điều chỉnh bổ sung, cải tiến gần 30 quy trình, quy định liên quan đến công tác tín dụng, dữ liệu và quản trị rủi ro. Với nỗ lực triển khai, cuối cùng, OCB hoàn tất dự án tháng 9/2017.
Có thể nói, để hoàn thành các hạng mục theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II đòi hỏi quyết tâm rất lớn. Theo quy định của Basel II, việc tính toán các chỉ số của ngân hàng đều thay đổi theo quy chuẩn cao hơn. Chẳng hạn như phải tính toán phân bổ vốn, quản lý danh mục phù hợp, một số hoạt động kinh doanh có chỉ số rủi ro cao phải hạn chế lại để không ảnh hưởng đến an toàn hoạt động; sau đó cần phải giao chỉ tiêu xuống các khối và đơn vị kinh doanh… Việc phân bổ vốn cho các đơn vị kinh doanh cũng gặp một số thách thức. Mọi năm ngân hàng chỉ giao cho các chi nhánh chỉ tiêu kinh doanh thôi; nhưng khi áp dụng quy định Basel II, việc giao chỉ tiêu kinh doanh cùng đi kèm cả hệ số rủi ro đối với các khoản vay.
Ngoài những công việc trên, OCB phải hoạch định lộ trình tăng vốn phù hợp với tăng trưởng bảng cân đối tài sản. Trong quá trình thực hiện, nếu thấy rằng lộ trình tăng vốn không khả thi thì phải tự động điều chỉnh chỉ số tăng trưởng xuống cho phù hợp yêu cầu quy chuẩn.
Có thể nói Basel II không phải là giải pháp về mặt kinh doanh hay chiến lược mà nó là yêu cầu tiêu chuẩn cao hơn để bảo vệ ngân hàng bởi Basel II không chỉ giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, mà còn giảm đáng kể các thiệt hại do các biến động của nền kinh tế.
Sau 1 năm triển khai Dự án Basel II của mình, OCB đã thu được những thành quả gì, thưa ông?
Mặc dù đối mặt khá nhiều khó khăn, nhưng sau khi đưa dự án triển khai vào thực tế, OCB đã đạt được kết quả ban đầu tích cực. Hệ thống quản lý rủi ro tốt giúp chúng tôi quảnlý danh mục cũng như xử lý nợ tốt hơn như đã xử lý toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC. Nhờ đó OCB đã được tổ chức Moody’s nâng bậc xếp hạng lên B1. Có được điều đó là bởi bên cạnh nợ xấu, nợ quá hạn giảm, các danh mục tín dụng có chỉ số rủi ro cao như BĐS… đều được OCB chủ động quản lý chặt đưa về con số an toàn hơn rất nhiều. Thành công lớn nữa, sau hơn 1 năm triển khai, OCB đã được NHNN công nhận hoàn thành đầy đủ quy định Thông tư 41 trước hạn. Đây là kết quả có ý nghĩa rất quan trọng.
Dĩ nhiên đây mới là bước khởi đầu, thời gian tới, OCB tiếp tục tuân thủ đưa nhiều hơn nữa quy chuẩn Basel II vào hoạt động của mình.
Từ kinh nghiệm của OCB, theo ông, đâu là yếu tố quan trọng nhất giúp các ngân hàng có thể cán đích thành công Basel II?
Khó nói cái nào quan trọng nhất khi triển khai Basel II vì còn phụ thuộc vào mức độ cam kết, hiện trạng kinh doanh của mỗi ngân hàng. Chẳng hạn, ngân hàng đang có danh mục kinh doanh an toàn, có thị phần, thị trường lớn cũng như khả năng sinh lời tốt… sẽ rất thuận lợi trong việc tuân thủ Basel II từ việc tăng vốn, đến áp dụng các chỉ số quản trị rủi ro… Điểm nữa, phải có sự đồng thuận từ HĐQT, ủng hộ của các cổ đông chấp nhận mức sinh lời hợp lý để ngân hàng phát triển bền vững.
Tuy nhiên, để tuân thủ chỉ số an toàn chặt chẽ của Basel II, chắc chắn các ngân hàng phải tăng lượng vốn nhất định lên. Nhưng việc tăng vốn không phải phục vụ mục tiêu hiện thực hóa lợi nhuận mà để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thì việc kêu gọi các cổ đông góp vốn không phải dễ dàng, nhất là đối với những ngân hàng có nền tảng kinh doanh chưa thực sự tốt. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực chất lượng cao cũng có vai trò quan trọng đến thành công trong quá trình triển khai Basel II…
Nói tóm lại, những ngân hàng có điều kiện tốt nhất triển khai Basel II thường đến từ các ngân hàng hoạt động kinh doanh tương đối lành mạnh.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Hà Thành (Thời báo ngân hàng)
TIN TỨC LIÊN QUAN
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024
Tháng 8/2024 là tháng có hàng loạt chính sách mới quan trọng. Trong đó, chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2024 gồm các Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản; Luật các tổ chức tín dụng; nghị quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ; về phát triển và quản lý chợ, quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ , quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, …
Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng
Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam
Tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dự của cả nền kinh tế Việt Nam. Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng.
Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.