Chi tiết tin tức
Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
Đẩy mạnh cho
vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc
tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp
giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
Phó Thống đốc
NHNN Phạm Thái Sơn phát biểu tại Hội thảo – Ảnh: VGP/HT
Đó là ý kiến của Phó Thống đốc
NHNN Đoàn Thái Sơn tại Hội thảo: Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy
lùi “tín dụng đen” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức ngày
18/7, tại Hà Nội.
Chiếm tương
đương 20% tổng dư nợ tín dụng
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó
Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn đánh giá, tín dụng tiêu dùng luôn đóng vai trò
quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Bên cạnh việc
đáp ứng những nhu cầu chính đáng của người dân, tín dụng tiêu dùng còn kích cầu
sức mua, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế.
Thống kê cho thấy, quy mô của thị
trường tín dụng tiêu dùng toàn cầu đã tăng trưởng mạnh, đạt khoảng 11 nghìn tỷ
USD năm 2023 và tiếp tục duy trì xu hướng tăng, dự kiến đạt 15 nghìn tỷ USD
trong 5 năm tới.
Xu hướng tăng trưởng tín dụng
tiêu dùng được ghi nhận ở cả các nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu… và các
nền kinh tế mới nổi như Thái Lan, Malaysia…
Cùng chung xu hướng đó, hoạt động
tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam những năm qua đã có bước phát triển mạnh cả về
quy mô dư nợ, số lượng tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia và mức độ đa dạng về
sản phẩm, dịch vụ.
Đến nay, tổng dư nợ cho vay phục
vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương
đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trở thành một phần quan trọng
trong cơ cấu tín dụng của hệ thống các TCTD. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay
phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ 2010 đến nay luôn cao hơn
tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế. Để có được kết quả này
là sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, triển khai
quyết liệt của ngành Ngân hàng và sự phối hợp tích cực từ các bộ ngành, địa
phương.
Dù vậy, Phó Thống đốc Đoàn Thái
Sơn cho rằng: Cần phải nhìn nhận thẳng thắn để thấy rằng hoạt động tín dụng
tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế và gặp nhiều thách thức. Từ năm 2020
đến nay, thị trường tài chính tiêu dùng đối mặt với những tác động tiêu cực từ
đại dịch COVID-19 và sự suy giảm tổng cầu. Gần đây, xuất hiện tình trạng tội
phạm lợi dụng môi trường mạng xã hội, tổ chức nhiều hội nhóm truyền bá, hướng
dẫn nhau cách không phải trả nợ cho công ty TCTD; các công ty mạo danh, lừa
đảo… đã làm ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng tiêu dùng của các TCTD nói riêng
và sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường tín dụng tiêu dùng nói
chung.
Tín dụng tiêu dùng đã trải qua
một năm 2023 đầy thử thách khi dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ tăng khoảng gần 11%
so với năm trước – mức tăng khiêm tốn so với tỷ lệ tăng trưởng bình quân trong
giai đoạn 2010-2020. Dư nợ trong các tháng đầu năm 2024 tiếp tục suy giảm so
với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu
hướng gia tăng…
Hội thảo với
chủ đề: Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi “tín dụng
đen” – Ảnh: VGP/HT
Cần giải pháp
và phối hợp đồng bộ
Để khai thác được tiềm năng của
thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam và giải quyết những tồn tại, thách
thức, tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp và các
kiến nghị.
Ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng giám
đốc Ngân hàng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)
đề xuất, cần sớm cho phép và hướng dẫn các TCTD trong việc kết nối khai thác dữ
liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc xác thực
thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử; gắn mã số định danh
công dân với tất cả tài khoản cá nhân để phục vụ công tác quản lý và xác thực
thông tin khách hàng khi ngân hàng cung ứng sản phẩm tín dụng và thanh toán.
Lãnh đạo NHNN khẳng định: Thời
gian qua, nhiều chương trình cho vay đặc thù với sự phối hợp của Tổng Liên đoàn
lao động và các bộ, ngành, địa phương với những ưu đãi về lãi suất, mức vay,
thời gian, quy trình cho vay được tích cực triển khai.
Bộ Công an đã xây dựng và liên
tục cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo đa dạng về thông tin, hỗ
trợ tích cực cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng trong quá trình
cho vay; đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp đấu tranh, trấn áp với tội phạm
và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, đảm bảo
trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tăng
cường công tác thông tin, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của
hoạt động “tín dụng đen”…
Để triển khai tín dụng tiêu dùng
hiệu quả hơn, lãnh đạo NHNN nêu một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy
lùi “tín dụng đen”.
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, hoàn
thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay
tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Thứ hai, tăng cường công tác quản lý,
thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống của
các TCTD, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện cơ chế,
chính sách về chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, hướng dẫn việc ứng dụng
công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện để TCTD
đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, bám sát với nhu cầu thị trường, đồng thời có thể
phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ứng dụng công nghệ cao.
Thứ tư, tăng cường sự phối hợp với
các cơ quan quản lý Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tuyên
truyền các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân,
giúp hiểu đúng về các kênh cung cấp tín dụng chính thức cũng như thấy được các
hệ lụy, hậu quả của “tín dụng đen”. Bản thân các TCTD cần rà soát,
đổi mới phương thức cung cấp thông tin, cách thức tiếp cận khách hàng vay để
người dân hiểu đúng, đầy đủ về các sản phẩm, dịch vụ.
Thứ năm, các TCTD cần phối hợp chặt chẽ
với các đơn vị của Bộ Công an trong việc kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ
cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng dữ liệu này
trong hoạt động tín dụng tiêu dùng.
Thứ sáu, các bộ, ngành, địa phương
tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng
Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật
liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Các TCTD đã triển khai nhiều sản
phẩm tín dụng cho mục đích tiêu dùng về nhà ở, khám chữa bệnh, học tập, mua sắm
trang thiết bị, phương tiện đi lại,…triển khai các chương trình tín dụng tiêu
dùng gắn với các nhóm khách hàng đặc thù với lãi suất, mức vay và thời gian vay
ưu đãi, như: Gói 20.000 tỷ đồng của Agribank triển khai chương trình cho vay
tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân khu vực đô thị; Gói tín dụng tiêu dùng
20.000 tỷ đồng của 2 Công ty Tài chính HD Saison và FE Credit cho khách hàng là
công nhân lao động… Theo báo cáo của 16 TCTD có dư nợ cho vay tiêu dùng lớn,
hiện có trên 30 sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng đang được triển
khai đến người dân.
Nguồn:
baochinhphu.vn
TIN TỨC LIÊN QUAN
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024
Tháng 8/2024 là tháng có hàng loạt chính sách mới quan trọng. Trong đó, chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2024 gồm các Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản; Luật các tổ chức tín dụng; nghị quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ; về phát triển và quản lý chợ, quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ , quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, …
Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng
Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam
Tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dự của cả nền kinh tế Việt Nam. Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.
Thời điểm, trình tự phân loại nợ của ngân hàng thương mại
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 31/2024/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có (gọi là nợ) trong hoạt động của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.