Chi tiết tin tức
Tín dụng phục hồi, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng
Tín dụng phục hồi
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN Việt Nam, nhờ việc triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện được mục tiêu kép vừa kiểm soát được dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế theo chủ trương của Chính phủ và các giải pháp về tín dụng, lãi suất của ngành Ngân hàng; tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã hồi phục dần từ tháng 7. Nếu như đến cuối tháng 7 tín dụng mới tăng 4,03%, cuối tháng 8 tăng 4,75%, thì đến cuối tháng 9 đã tăng 6,09%, cuối tháng 10 tăng 6,71% và đến 27/11 tín dụng toàn bộ nền kinh tế đã tăng 8,46% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,89%).
Đặc biệt song vốn tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, nhất là các lĩnh vực hiện đang tận dụng được lợi thế trong bối cảnh mới như tín dụng xuất khẩu tăng khoảng 8%, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 6,5%, tín dụng đối với DNNVV tăng khoảng 8,2%. Nếu xét theo ngành kinh tế thì ngành thương mại dịch vụ có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất khoảng 9%; ngành công nghiệp xây dựng ước tăng 7,6%; ngành nông, lâm nghiệp thủy sản ước tăng 7,89%.
Bên cạnh đó, hoạt động tín dụng chính sách tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, đáp ứng nguồn vốn kịp thời cho người nghèo và các đối tượng chính sách phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, nhu cầu đời sống thiết yếu, góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH đạt 224.300 tỷ đồng, tăng 8,46% so với 31/12/2019, với hơn 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ.
“Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng kết quả tín dụng 11 tháng đầu năm 2020 đã góp phần hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, cho thấy điều hành tín dụng của NHNN đã đi đúng hướng, các giải pháp đưa ra phù hợp với thực tiễn và đang từng bước phát huy hiệu quả”, ông Nguyễn Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng ghi nhận và đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt của NHNN đã góp phần kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh các thị trường toàn cầu liên tục biến động; đồng thời cũng hỗ trợ tích cực cho đà tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, NHNN đã 3 lần cắt giảm các mức lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm sâu lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Mặt bằng lãi suất hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm cũng kích thích nhu cầu tín dụng. TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV tin rằng, với các giải pháp phù hợp, tín dụng có thể đạt trên dưới 10% trong năm nay.
Hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng
Như đã nói ở trên, chính sách tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của ngành Ngân hàng được cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia đánh giá là kịp thời và đã phát huy hiệu quả. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của NHNN, các TCTD đã tích cực vào cuộc triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng, giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo số liệu thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, tính đến nay, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272 nghìn khách hàng với dư nợ gần 347 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 555 nghìn khách hàng với dư nợ gần 934 nghìn tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 2 triệu tỷ đồng cho gần 359 nghìn khách hàng.
Bên cạnh đó, chính sách cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời phù hợp với tình hình thực tế. Đến nay, NHCSXH đã thực hiện giải ngân với tổng dư nợ là 15,066 tỷ đồng cho 95 người sử dụng lao động, số lao động được hỗ trợ là 4.247 người.
Không chỉ vậy, NHNN cũng đã chỉ đạo kịp thời tới toàn hệ thống TCTD, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố về việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất sau đợt lũ lịch sử vừa qua thông qua các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm, hạ lãi suất vay vốn, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn…; đồng thời yêu cầu TCTD hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng hoàn thiện hồ sơ đề nghị xử lý khoanh nợ, xóa nợ theo quy định.
Theo đánh giá sơ bộ, dư nợ bị ảnh hưởng bởi đợt bão lũ năm 2020 khoảng 19,6 nghìn tỷ đồng. Tính đến nay các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 1.219 khách hàng với dư nợ 120 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho 17.210 khách hàng với dư nợ 10.890 tỷ đồng; cho vay mới 7.191 khách hàng với số tiền cho vay mới 4.758 tỷ đồng. Ngoài ra, các TCTD đang xem xét đề xuất khoanh nợ cho một số khách hàng, riêng NHCSXH đang thực hiện khoanh nợ số tiền 85,93 tỷ đồng cho 2.087 khách hàng, xóa nợ 470 triệu đồng cho 23 khách hàng.
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là kết thúc năm 2020, với những dấu hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế hiện nay hoàn toàn có thể tin tưởng tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt từ 2,5% đến 3%. Trong đà hồi phục kinh tế của Việt Nam, tín dụng năm 2020 kỳ vọng sẽ tiếp tục có mức tăng khá, dự kiến đạt mục tiêu 10%, góp phần cung ứng vốn cho nền kinh tế, khôi phục sản xuất kinh doanh./.
Nguồn: Vũ Thị Dung (thoibaonganhang.vn)
TIN TỨC LIÊN QUAN
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024
Tháng 8/2024 là tháng có hàng loạt chính sách mới quan trọng. Trong đó, chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2024 gồm các Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản; Luật các tổ chức tín dụng; nghị quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ; về phát triển và quản lý chợ, quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ , quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, …
Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng
Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam
Tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dự của cả nền kinh tế Việt Nam. Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng.
Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.