Chi tiết tin tức
Tìm đường cho doanh nghiệp nhỏ và vừa “thoát hiểm”
Khoảng 100.000 doanh nghiệp rời bỏ thị trường trong năm nay
Theo Tổng cục thống kê, trong 8 tháng năm nay, có 85.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 43.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước; 30.100 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5%; 12.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%.Trung bình mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trong đó, TP.Hồ Chí Minh có 24.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43.200 doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Từ nay đến hết năm 2021, nếu Việt Nam có thể kiểm soát được dịch bệnh và phục hồi kinh tế, thì cả năm, số lượng doanh nghiệp phá sản cũng ở mức 100.000. Tại thời điểm hiện tại, mỗi tháng có khoảng 10.000 doanh nghiệp đóng cửa. Trường hợp nếu không thể kiểm soát được dịch bệnh cho đến cuối năm, sẽ có ít nhất khoảng 150.000 doanh nghiệp phá sản.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, một trong những nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp “chết nhanh nhất” là do mất tính thanh khoản. Thanh khoản ở đây là khả năng chi trả của doanh nghiệp như trả lương cho người lao động, tiền thuê mặt bằng, nguyên vật liệu sản xuất…Thiếu tiền, mất thanh khoản giống như cơ thể mất máu dần và dẫn đến cái “chết”, rời bỏ thị trường. Một doanh nghiệp mất thanh khoản cũng sẽ kéo theo các đối tác của họ không thu xếp được dòng tiền và mất thanh khoản theo sau đó.
Bà Vũ Thị Thuận – nguyên Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Traphaco cho rằng, khó khăn tựu chung nhất của doanh nghiệp hiện nay chính là sức mua của người dân giảm nhiều. Do thực hiện giãn cách, đi lại khó khăn, người dân chỉ sử dụng những dịch vụ, sản phẩm thiết yếu. Bên cạnh đó, với doanh nghiệp, chi phí sản xuất, phân phối lại rất lớn, như: Sản xuất 3 tại chỗ, chi phí xét nghiệm, người lao động… Chi phí tăng trong khi doanh thu giảm, để lo cho người lao động là rất khó khăn.
Chia sẻ về tình hình doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh cho biết, đến 31/7/2021, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố là 317.021 doanh nghiệp, trong đó có đến 98,5% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hơn 2.500 doanh nghiệp thành lập mới (giảm 24% so với cùng kỳ), 1.980 doanh nghiệp giải thể, 8.451 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 20% so với cùng kỳ), gần 175.000 lao động bị mất việc làm…
Chủ động thay vì ngồi yên chịu trận
Trao đổi kinh nghiệm từ cá nhân doanh nghiệp, bà Vũ Thị Thuận cho biết, ngay từ thời điểm lần dịch đầu tiên bùng phát, doanh nghiệp đã chủ động áp dụng rất nhiều biện pháp để đảm bảo sản xuất kinh doanh. Ngay từ thời điểm đầu tiên khi dịch bệnh bùng phát, doanh nghiệp luôn giữ tinh thần tích cực chống dịch để duy trì sản xuất, mọi mặt đều không lơi là. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ số, doanh nghiệp phải áp dụng nhanh, biến khó khăn thành thách thức để vượt qua, chuyển đổi hình thức làm việc, quản trị.
“Bản thân doanh nghiệp phải xem lại toàn bộ quy trình làm việc, các bộ phận của mình. Hiện là cơ hội để doanh nghiệp cải tiến, có những sáng kiến để hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn, tăng năng suất lao động; cắt giảm chi phí không cần thiết để ứng dụng cho công nghệ”, bà Thuận cho hay.

Ông Hiếu cho rằng, nếu sớm khống chế được dịch bệnh, nhiều ngành nghề sẽ có khả năng phục hồi như dệt may, bất động sản, bán lẻ, xây dựng, du lịch…Rất khó có thể dự báo được thời điểm nào bệnh dịch hoàn toàn được đẩy lùi, thay vì ngồi yên chịu trận trước tác động của Covid-19, thời điểm này các doanh nghiệp nên có một kế hoạch về chiến lược kinh doanh, kế hoạch tài chính dưới những giả định khác nhau.
Theo ông Hiếu, một trong những lưu ý mà doanh nghiệp cần quan tâm là thế giới đang bước vào nền kinh tế kỹ thuật số, vì thế kế hoạch kinh doanh tương lai cần tính đến những công nghệ kỹ thuật số mới.
Ông Hiếu cũng nhấn mạnh về việc lập kế hoạch tài chính: “Kinh nghiệm của tôi hơn 40 năm trong ngành ngân hàng cho thấy, nếu doanh nghiệp không có kế hoạch về tài chính thì doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn”.
Đề cập đến những giải pháp cụ thể, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, cần tiếp tục miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tài chính để phục vụ kinh doanh; cho phép giãn nợ năm 2021-2022. Đặc biệt, có thể hỗ trợ doanh nghiệp các chi phí chống dịch như xét nghiệm, phun khử khuẩn; sớm triển khai tiêm vaccine cho người lao động, nhất là các doanh nghiệp triển khai vận chuyển, sản xuất bán hàng trực tiếp cho người lao động.
Tuy nhiên, cũng theo ông Mạc Quốc Anh, các giải pháp về thuế, tài chính, thủ tục hành chính chỉ là giải pháp căn cơ, còn giải pháp trước mắt phải là làm sao để doanh nghiệp lưu thông hàng hóa. Nhiều đối tác nước ngoài đã ngừng giao thương với Việt Nam vì những lý do dịch bệnh. Hàng hóa ứ đọng, sản xuất đình trệ, nên doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ.
“Chỗ nào đã khoanh vùng, tạo được vùng xanh thì Nhà nước có thể cân nhắc cho giao thương bình thường để hàng hóa được lưu thông. Với doanh nghiệp, khó khăn nhất là không bán được hàng. Sản xuất ra hàng hóa mà không lưu thông được thì doanh nghiệp không có dòng tiền, tài chính không thông suốt”, ông Mạc Quốc Anh đề xuất.
Ngoài ra, ông Mạc Quốc Anh cũng đề nghị giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin.
Gửi lời khuyên đến doanh nghiệp, ông Nguyễn Tất Thịnh, chuyên gia xây dựng tổ chức và chiến lược công ty chia sẻ: “Một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ thời Covid chính là tính linh hoạt và bền bỉ. Lắng nghe thị trường để luôn có những phương án đổi mới không ngừng, không bao giờ bỏ cuộc sẽ là chìa khoá giúp doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khủng hoảng đầy thách thức”.
Nguồn: Thái Hoàng (thoibaonganhang.vn)
TIN TỨC LIÊN QUAN
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024
Tháng 8/2024 là tháng có hàng loạt chính sách mới quan trọng. Trong đó, chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2024 gồm các Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản; Luật các tổ chức tín dụng; nghị quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ; về phát triển và quản lý chợ, quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ , quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, …
Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng
Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam
Tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dự của cả nền kinh tế Việt Nam. Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng.
Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.