Chi tiết tin tức
Thúc đẩy tín dụng xanh tiến đến Net Zero
Thống đốc NHNN vừa ký quyết định
Ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về
Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp
triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên
hợp quốc về biến đổi khí hậu.
Tạo mọi điều
kiện cho tín dụng xanh
Việc ban hành
Kế hoạch hành động thể hiện quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc chung tay
thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero
mà Việt Nam đang thực hiện.
Thực tế, trong
suốt thời gian qua, NHNN cũng đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc
đẩy tín dụng xanh trong toàn Ngành. Ông Trần Anh Quý – Trưởng phòng Tín dụng
chính sách nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, NHNN đã
hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh và ngân hàng xanh; nghiên cứu,
đề xuất xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực cho tín dụng xanh; tăng
cường triển khai đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín
dụng của các TCTD. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực và việc làm
xanh, thực hiện đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản trị, điều hành về
tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số đối với ngành Ngân hàng,
đặc biệt về tín dụng, ngân hàng xanh. NHNN cũng hỗ trợ các TCTD tiếp nhận nguồn
hỗ trợ quốc tế để cho vay ưu đãi các dự án xanh.
Nhờ những nỗ lực trên, hiện có
39/129 TCTD phát sinh dư nợ xanh, đạt hơn 500.524 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,2%
dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Có 34/129 TCTD đánh giá rủi ro về môi trường và
xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ hơn 2,3 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ
trọng gần 20% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế. Tín dụng xanh tập trung chủ yếu
vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch, hay các doanh nghiệp chú
trọng vào ESG?
|
Hiện các TCTD đang ngày càng quan tâm đến việc thúc đẩy tín dụng xanh |
Dưới sự chỉ
đạo của NHNN, cũng như nhận thức tầm quan trọng, các TCTD cũng ngày càng quan
tâm nhiều hơn tới việc thúc đẩy tín dụng xanh, vì mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Trần Long – Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, trở thành ngân hàng xanh là
một mục tiêu ưu tiên trong chiến lược kinh doanh giai đoạn 2021 – 2025 và tầm
nhìn đến 2030 của BIDV. Trong đó, BIDV tập trung phát triển các sản phẩm, dịch
vụ xanh riêng biệt và điều chỉnh cơ cấu, mô hình tổ chức hướng tới ngân hàng
xanh. Đồng thời, ngân hàng dành tỷ trọng nhất định để tài trợ cho các khách
hàng trong lĩnh vực năng lượng xanh góp phần chuyển đổi nền kinh tế theo hướng
tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường. Hiện nay, BIDV dẫn đầu thị trường về tài
trợ lĩnh vực xanh với 1.718 dự án, dư nợ tín dụng đạt 63.773 tỷ đồng (tương
đương 2,7 tỷ USD), chiếm 4,3% tổng dư nợ tín dụng của BIDV và 13% tổng dư nợ
cho vay lĩnh vực xanh toàn bộ nền kinh tế.
Còn tại BAC A
BANK, ông Chu Nguyên Bình, Phó Tổng giám đốc chia sẻ, ngân hàng ưu tiên tư vấn
đầu tư và cấp tín dụng cho các dự án mang tính phát triển bền vững, tạo ảnh
hưởng tích cực đối với môi trường. BAC A BANK đặc biệt chú trọng thẩm định các
yếu tố dự án có thể tác động đến môi trường tự nhiên và an sinh xã hội trong
quá trình ra quyết định tư vấn đầu tư và cấp tín dụng. Ngân hàng thường xuyên
đánh giá hiệu quả triển khai dự án trên khía cạnh thân thiện với môi trường, bổ
sung hoàn thiện các gói sản phẩm phục vụ “tín dụng xanh” đáp ứng tối đa nhu cầu
mở rộng và phát triển của các doanh nghiệp.
Tích cực khai
thác nguồn lực quốc tế
Tuy đã có
nhiều nỗ lực từ cả NHNN và các NHTM, nhưng tỷ lệ tín dụng xanh vẫn còn khiêm
tốn và chưa có sự đồng đều ở tất cả các ngân hàng. Lý giải điều này, TS. Lê Duy
Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, nguyên nhân một phần do chưa có quy
định chung của Quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực
theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các TCTD xác định cấp tín dụng
xanh cho giai đoạn tới. Ngoài ra, việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ
thuật về môi trường chuyên sâu, khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm
định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng. Bên cạnh đó,
còn là hạn chế trong ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp dẫn
đến bị xử phạt vi phạm pháp luật về môi trường ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện
dự án, tiềm ẩn rủi ro thu hồi nợ cho các TCTD.
Đặc biệt, việc
đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công
trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn. Trong khi
nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn hạn, khó khăn cho
các TCTD trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài
hạn theo quy định.
Nhấn mạnh tăng
trưởng xanh là xu thế tất yếu, TS. Lê Duy Bình cho rằng, các ngân hàng cũng sẽ
buộc phải bắt kịp theo nhu cầu của doanh nghiệp chuyển dịch dần sang sản xuất
xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững. Tại Việt Nam, tín dụng
vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, chuyên gia này khẳng
định, không nên đặt hết gánh nặng lên vai ngân hàng, cần chú trọng phát triển
thị trường vốn cho mục tiêu xanh của nền kinh tế. Đơn cử như phát triển thị
trường trái phiếu xanh, thị trường mua bán tín chỉ carbon…
Một trong
những nguồn vốn dồi dào có thể khai thác đó là nguồn lực quốc tế. Theo TS. Lê
Duy Bình, hiện đang có rất nhiều tổ chức quốc tế sẵn sàng tài trợ cho mục tiêu
phát triển bền vững tại Việt Nam thông qua các NHTM.
Một khảo sát
của NHNN từ 21 tổ chức quốc tế có hoạt động tài trợ xanh tại Việt Nam cho thấy,
số lượng các tổ chức đầu tư vào lĩnh vực xanh từ sau năm 2020 đến nay tăng
nhanh, gấp 2,5 lần so với các giai đoạn trước 2010, 2010-2015 và giai đoạn
2015- 2020. Lý do khiến các tổ chức quyết định tài trợ cho Việt Nam là mong
muốn đóng góp cho các vấn đề về môi trường của Việt Nam, qua đó nâng cao thương
hiệu của tổ chức và mở rộng kế hoạch kinh doanh. Hầu hết các tổ chức tham gia
khảo sát quan tâm tài trợ cho các dự án liên quan đến năng lượng xanh tại Việt
Nam; và đều có kế hoạch tài trợ xanh cho Việt Nam thời gian tới, trong đó một
số tổ chức đã có kế hoạch cụ thể về số vốn đầu tư.
Theo khảo sát,
tiêu chí đánh giá, lựa chọn phê duyệt cấp tín dụng xanh hàng đầu của các tổ
chức dựa trên các yếu tố: tính khả thi dự án, hồ sơ doanh nghiệp, tác động đến
môi trường của dự án và lịch sử tuân thủ các quy định về môi trường của chủ đầu
tư. Các hình thức tài trợ khá đa dạng như: cho vay trực tiếp và cho vay hợp
vốn, bảo lãnh, góp vốn, tư vấn, hỗ trợ đào tạo, tài trợ gián tiếp qua các
TCTD…
Theo TS. Lê Duy Bình, nếu tận
dụng được nguồn lực này, đây sẽ là một hỗ trợ rất tốt cho mục tiêu phát triển
xanh mà Việt Nam đang hướng tới.
Nguồn: thoibaonganhang.vn
TIN TỨC LIÊN QUAN
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024
Tháng 8/2024 là tháng có hàng loạt chính sách mới quan trọng. Trong đó, chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2024 gồm các Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản; Luật các tổ chức tín dụng; nghị quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ; về phát triển và quản lý chợ, quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ , quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, …
Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng
Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam
Tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dự của cả nền kinh tế Việt Nam. Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng.
Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.