Chi tiết tin tức
Thách thức và cơ hội TPP đối với ngành ngân hàng Việt Nam
Dù thế nào, có một điều không thể phủ nhận là khi bước vào sân chơi rộng lớn này, ngành ngân hàng Việt Nam cũng phải đối mặt với những cơ hội và thách thức mà TPP mang lại.
Cơ hội cho hệ thống ngân hàng
Việc quan tâm đến tiến trình TPP của ngành tài chính – ngân hàng Việt Nam là cần thiết vì đây vẫn là cơ hội lớn để hệ thống ngân hàng Việt Nam thoát khỏi tình trạng yếu kém hiện nay và “cất cánh” – nếu mỗi ngân hàng có sự chuẩn bị chiến lược kinh doanh phù hợp và Ngân hàng Nhà nước xây dựng được một chiến lược phát triển ngành ngân hàng thật sự bền vững trong thời kỳ tiếp theo – giai đoạn 2015 đến 2030. Cụ thể:
(1) Các luồng vốn đầu tư quốc tế vào Việt nam sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tăng cường thanh khoản và gia tăng cơ hội kinh doanh. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn ủy thác trên thế giới với chi phí thấp hơn do vị thế của Việt Nam sẽ cải thiện nhiều sau khi gia nhập TPP. Theo đó, ngành Ngân hàng “có dịp” lặp lại giai đoạn phát triển thần kỳ như năm 2006 khi Việt Nam gia nhập WTO, nhưng cường độ có thể thấp hơn;
(2) Hiệp định TPP sẽ tạo triển vọng cho ngành thương mại Việt Nam đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, mở ra cơ hội cho các NHTM Việt Nam đồng hành hỗ trợ vốn, dịch vụ cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong tương lai;
(3) Lĩnh vực tài chính – ngân hàng sẽ được mở rộng hơn theo các cam kết chung. Theo đó, Việt Nam có cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành ngân hàng – một ngành cần vốn, công nghệ và năng lực quản lý điều hành cao. Hơn nữa, các NHTM VN có nhiều khả năng nới “room” thêm nữa cho các đối tác chiến lược nước ngoài. Việc tham gia sâu rộng của nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tạo điều kiện mở rộng hợp tác, nâng cao năng lực quản trị và tài chính cho các ngân hàng nội địa. Đây có thể là cơ sở để phát triển ngành ngân hàng Việt Nam trong tương lai.
Thách thức hệ thống ngân hàng
Dù vậy, có thể thấy, tham gia TPP cũng sẽ mang lại những thách thức lớn đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính – ngân hàng của Việt Nam. Trước đây, dịch vụ tài chính – ngân hàng là mảng hoạt động thương mại mà mức độ mở cửa thị trường là hạn chế và dè dặt nhất. Lần đầu tiên Việt Nam biết đến khái niệm cam kết mở cửa dịch vụ tài chính ngân hàng là trong đàm phán Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Mỹ, trong đó dịch vụ tài chính – ngân hàng đã làm quá trình đàm phán kéo dài mất 4 năm mới được hoàn tất. Sau khi Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Mỹ được ký kết vào năm 2000, Việt Nam cũng chỉ mở một cánh cửa hẹp cho Mỹ tham gia vào cung ứng dịch vụ ngân hàng – tài chính cùng nhiều quy định hạn chế. Trong khi đó, tham gia TPP, Việt Nam phải cam kết mở rộng ngành dịch vụ tài chính – ngân hàng với mức độ sâu hơn, xóa bỏ dần các điều kiện tiếp cận thị trường tài chính – ngân hàng và không chỉ cam kết với riêng Mỹ mà với 12 nước có trình độ phát triển khác nhau nên tác động của việc mở cửa dịch vụ tài chính – ngân hàng cũng sẽ lớn hơn. Cụ thể, phần lớn các nước tham gia đàm phán TPP có thị trường tài chính – ngân hàng rất phát triển (Hoa Kỳ, Úc, Singapore) hoặc đã mở cửa cho sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài (New Zealand) hoặc lợi ích sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi việc mở cửa thị trường tài chính ngân hàng (Brunei) sẽ tạo những khó khăn nghiêm trọng trong những thỏa thuận mở cửa thị trường trong khuôn khổ đàm phán TPP. Hơn nữa, các nước phát triển, đặc biệt là Hoa Kỳ và Úc sẽ có nhiều thuận lợi khi đưa ra những yêu cầu cao về mở cửa thị trường tài chính – ngân hàng, vô hình chung tạo sức ép cạnh tranh đối với các nước đang phát triển (Chi-lê, Mexico, Malaysia), trong đó có Việt Nam. Cụ thể như:
(1) Với sự tham gia ngày càng sâu rộng của ngân hàng nước ngoài, đặc biệt các định chế tài chính đến từ Mỹ, Nhật Bản và Úc thì áp lực cạnh tranh trong ngành sẽ ngày càng tăng lên. Các ngân hàng nước ngoài với tiềm lực tài chính và khả năng quản trị chuyên nghiệp sẽ gia tăng sức ép đối với khối ngân hàng trong nước;
(2) Chiến lược “bán lẻ” của các ngân hàng nước ngoài với những thế mạnh về sản phẩm dịch vụ, công nghệ, kỹ năng tiếp cận khách hàng chuyên sâu.. có thể khiến ngân hàng nội địa mất dần các phân khúc thị trường quan trọng, và là vấn đề mà các ngân hàng Việt Nam cần đặc biệt quan tâm; và
(3) Việc mở “room” tuy giúp các ngân hàng nội địa có thể tiếp nhận luồng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn, nhưng sức ép bị thâu tóm và chi phối cũng tăng cao. Viễn cảnh các doanh nghiệm niêm yết trong lĩnh vực sản xuất – thương mại đã từng bị nhà đầu tư nước ngoài chi phối, thao túng có thể lặp lại đối với lĩnh vực Ngân hàng. Và điều này càng có thể xảy ra khi vẫn chưa đưa ra được bài toán giải quyết rõ ràng cho vấn đề sở hữu chéo giữa các ngân hàng Việt Nam.
Những thách thức trên sẽ càng được nhân đôi khi hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Thứ nhất, việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng vẫn ở mức hạn chế. Nếu so sánh với một số nước trong khu vực và trên thế giới nói chung thì khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tại Viêt Nam còn chưa cao (theo IMF, tính đến năm 2012, tỷ lệ chi nhánh, phòng giao dịch trên 100.000 người dân Việt Nam chỉ đạt 3,17 thấp hơn nhiều so với Thái Lan – 11,7, Indonesia – 9,59 và các nước OECD – 27), mức độ phân bố các chi nhánh và phòng giao dịch chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm như thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Điều này sẽ tăng cơ hội tiếp cận thị phần khách hàng trong nước cho các ngân hàng quốc tế của các nước, đe dọa thị trường tiềm năng của ngân hàng trong nước. Hơn nữa, hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam còn thấp, đặc biệt một số ngân hàng có năng lực quản lý yếu kém, vi phạm các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro. Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hệ số an toàn vốn của toàn hệ thống ngân hàng tuy đã có sự cải thiện, đứng ở mức 13,6% (đầu năm 2014) nhưng vẫn thấp so với trung bình các nước trong khu vực như Thái Lan (15,7%), Philippines (15,2%), Malaysia (14,7%), Phillipines (18,5%).. Tương tự vậy, theo Ngân hàng thế giới (WB), tính đến năm 2011, cả hai chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động của ngành ngân hàng như ROA và ROE cũng chỉ đạt tương ứng 15,34% và 1,35%, thấp hơn Indonesia (20,1%;3,1%), Malaysia (25,9%;2,28%) và Phillipines (14,9%;1,6%). Một điểm quan trọng khác là cơ cấu lợi nhuận kém bền vững, với 80% lợi nhuận của hệ thống NHTM Việt Nam là thu nhập từ lãi (cao hơn nhiều so với trung bình các nước trong khu vực Đông Nam Á) và tỷ lệ thu nhập phi lãi trên tổng thu nhập ở mức rất thấp, chỉ trên 15% vào cuối năm 2011 (đứng thứ 4 tính từ thấp đến cao trong 200 nước do WB tổng hợp). Thêm vào đó, khuôn khổ quản trị chưa được công khai, minh bạch với báo cáo công bố chủ yếu là báo cáo thường niên và báo cáo tài chính để kiểm toán, chứ không có báo cáo giao dịch nội bộ, giao dịch với các bên liên quan hoặc liên quan tới công ty con của ngân hàng. Những điểm yếu này của hệ thống ngân hàng có thể cản trở ngành ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh gia nhập TPP.
TIN TỨC LIÊN QUAN
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024
Tháng 8/2024 là tháng có hàng loạt chính sách mới quan trọng. Trong đó, chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2024 gồm các Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản; Luật các tổ chức tín dụng; nghị quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ; về phát triển và quản lý chợ, quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ , quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, …
Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng
Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam
Tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dự của cả nền kinh tế Việt Nam. Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng.
Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.