Chi tiết tin tức
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp rà soát 2 Thông tư của Ngân hàng nhà nước
(Chinhphu.vn) – Ngày 17/8, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái
đã chủ trì cuộc họp rà soát Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 và Thông
tư số 03/2023/TT-NHNN ngày 17/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Phó Thủ tướng
Chính phủ đã chủ trì cuộc họp rà soát Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày
28/6/2023 và Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngày 17/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam. Ảnh VGP
Dự cuộc họp có Thống đốc Nguyễn
Thị Hồng; các Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo Văn phòng
Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng,… đại diện một số
doanh nghiệp, hiệp hội liên quan đến lĩnh vực bất động sản.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ
tướng Lê Minh Khái nêu rõ, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có rất
nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ, cũng như
xây dựng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực này để phục vụ người dân,
doanh nghiệp.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước ban
hành Thông tư 03/2023/TT-NHNN và Thông tư 06/2023/TT-NHNN. Bên cạnh ý kiến đánh
giá cao những nội dung mới của 2 văn bản này thì cũng có những ý kiến phản ánh
của doanh nghiệp, hiệp hội.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn
mạnh: Không chỉ riêng lĩnh vực ngân hàng mà trong tất cả các lĩnh vực, Chính
phủ, lãnh đạo Chính phủ luôn lắng nghe các ý kiến phản ánh, đánh giá cặn kẽ,
nhiều chiều, phối hợp với các bên có liên quan để có giải pháp phù hợp với thực
tiễn.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính
phủ, cuộc họp hôm nay với sự có mặt của đại diện của các bộ ngành, doanh
nghiệp, hiệp hội để lắng nghe, trao đổi, làm rõ những nội dung mà doanh nghiệp,
hiệp hội cho rằng còn vướng mắc, bất cập trong 2 Thông tư, cũng như những đề
xuất để cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, có biện pháp xử lý phù hợp,
hiệu quả, đúng pháp luật. Tinh thần của buổi làm việc là thẳng thắn, trung
thực, khách quan, tạo sự đồng thuận cùng hướng tới lợi ích chung.
Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh VGP
Tại cuộc họp, sau khi nghe báo
cáo của Ngân hàng Nhà nước về các nội dung liên quan đến Thông tư số
06/2023/TT-NHNN, Thông tư 03/2023/TT-NHNN, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp
bất động sản cùng các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước đã trao đổi về một số nội
dung liên quan đến quy định tại khoản 2 (sửa đổi, bổ sung Điều 8, Thông tư 39),
Điều 1, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN.
Cụ thể, khoản 2, Điều 1, Thông tư
06/2023/TT-NHNN đã bổ sung khoản 8, khoản 9, khoản 10, Điều 8, Thông tư số
39/2016/TT-NHNN như sau:
“8. Để thanh toán tiền góp
vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công
ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa
niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống
giao dịch Upcom.
9. Để thanh toán tiền góp vốn
theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh
để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định
của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay.
10. Để bù đắp tài chính, trừ
trường hợp khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
a) Khách hàng đã ứng vốn của
chính khách hàng để thanh toán, chi trả chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh
doanh, mà các chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh này phát sinh dưới
12 tháng tính đến thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay;
b) Các chi phí đã thanh toán, chi
trả bằng vốn của chính khách hàng nhằm thực hiện dự án hoạt động kinh doanh là
các chi phí có sử dụng nguồn vốn vay của tổ chức tín dụng theo phương án sử
dụng vốn đã gửi tổ chức tín dụng để được xem xét cho vay trung, dài hạn nhằm
thực hiện dự án hoạt động kinh doanh đó.”.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp
hội Bất động sản TPHCM, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu
xây dựng Việt Nam, đại diện Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam khẳng định
Thông tư 06/2023/TT-NHNN “không siết điều kiện vay vốn”; bày tỏ đồng
tình với Ngân hàng Nhà nước cần triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn hệ
thống tổ chức tín dụng, tránh tình trạng sở hữu chéo, cho vay đối với doanh
nghiệp nội bộ, doanh nghiệp sân sau.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho
rằng, khoản 8, Điều 8, Thông tư 39/2016/TT-NHNN được sửa đổi bởi Thông tư
06/2023/TT-NHNN cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn, để tránh gây ảnh hưởng tới
các hoạt động bình thường của doanh nghiệp bất động sản trong đầu tư, mua bán,
sáp nhập, góp vốn, tái cơ cấu…
Các ý kiến cũng trao đổi về các
cụm từ: “dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh” (khoản
9); “bù đắp tài chính” (khoản 10); đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét
kéo dài thời gian “dưới 12 tháng” (quy định tại khoản 10) lên thành
24 hoặc 36 tháng cho phù hợp với hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp
bất động sản, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện tại…
Phó Thủ tướng
Lê Minh Khái đánh giá cao đại diện các bộ ngành, doanh nghiệp, hiệp hội đã rất
cầu thị, trao đổi thẳng thắn để làm rõ bản chất vấn đề cần xử lý. Ảnh VGP
Tại cuộc họp, đại diện Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp,… đã trao
đổi cụ thể với các hiệp hội, doanh nghiệp về các nội dung nêu trên; cho rằng
đây là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ ngành lắng nghe ý kiến từ
thị trường, từ doanh nghiệp, đánh giá kỹ các tác động để “tìm ra những
điểm cân bằng” và có những biện pháp phù hợp vừa hỗ trợ doanh nghiệp vừa bảo
đảm an toàn hệ thống tín dụng.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó
Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao đại diện các bộ ngành, doanh nghiệp, hiệp
hội đã rất cầu thị, trao đổi thẳng thắn để làm rõ bản chất vấn đề cần xử lý.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế
giới và trong nước đang gặp khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan
tâm, luôn lắng nghe phản ánh từ thực tế để kịp thời có những chỉ đạo nhằm tạo
điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp ổn định và phát triển bền vững, trong đó
có doanh nghiệp bất động sản. Đây là chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ.
Phó Thủ tướng
Lê Minh Khái: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, luôn lắng nghe phản
ánh từ thực tế để kịp thời có những chỉ đạo nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng
doanh nghiệp ổn định và phát triển bền vững. Ảnh VGP
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Ngân
hàng Nhà nước có 2 chức năng rất quan trọng. Một là điều hành chính sách tiền
tệ, đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh
tế. Hai là, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Đây là việc rất khó,
đòi hỏi phải có sự kết hợp các giải pháp hài hòa, linh hoạt, hiệu quả.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo
của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng như các
bộ, ngành đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả cả về hành chính lẫn xây dựng
chính sách, pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản
xuất, kinh doanh, trong đó có việc ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN và Thông
tư 03/2023/TT-NHNN.
Sau khi ban hành 2 thông tư trên,
có nhiều nội dung được đánh giá cao. Tuy nhiên cũng còn những nội dung các
doanh nghiệp, hiệp hội có ý kiến. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam căn cứ quy định của pháp luật, chức năng, nhiệm vụ và thẩm
quyền được giao cũng như tình hình thực tế,… nghiên cứu kỹ lưỡng những kiến
nghị, đề xuất xác đáng của doanh nghiệp, làm rõ bản chất vấn đề để có giải pháp
điều chỉnh phù hợp, đúng pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động
sản trong điều kiện hiện nay.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng
nêu quan điểm đối với những nội dung cụ thể đại diện doanh nghiệp, hiệp hội,
các bộ ngành và Ngân hàng Nhà nước trao đổi tại cuộc họp./.
Nguồn: baochinhphu.vn
TIN TỨC LIÊN QUAN
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024
Tháng 8/2024 là tháng có hàng loạt chính sách mới quan trọng. Trong đó, chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2024 gồm các Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản; Luật các tổ chức tín dụng; nghị quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ; về phát triển và quản lý chợ, quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ , quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, …
Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng
Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam
Tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dự của cả nền kinh tế Việt Nam. Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng.
Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.