Chi tiết tin tức
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Cần kết nối sâu vào từng hiệp hội doanh nghiệp
Ngày 29/5, NHNN Việt Nam phối hợp với UBND TP.HCM, Chi nhánh NHNN tại TP.HCM và hệ thống tổ chức tín dụng tại địa phương đã tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tiếp tục tháo gỡ những khó khăn về tín dụng cho DN chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến chủ trì Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, tính đến cuối tháng 4/2020, các TCTD trên địa bàn đã hỗ trợ giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho DN và giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới lãi suất ưu đãi trên 290.500 tỷ đồng cho gần 224.000 khách hàng. Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 162.700 khách hàng với dư nợ 51.800 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 17.700 khách hàng với dư nợ đạt 48.800 tỷ đồng; cho vay mới (lũy kế từ 23/1) cho gần 43.500 khách hàng với doanh số đạt 190.000 tỷ đồng.
Ngoài việc hỗ trợ giãn nợ, giảm lãi suất và cho vay mới theo Thông tư 01/2020 của NHNN, tính đến cuối tháng 4/2020, các TCTD tại địa bàn đã cho vay ưu đãi lãi suất không quá 5%/năm đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên đạt gần 165.000 tỷ đồng với 31.500 khách hàng. Trong đó, cho vay DNNVV chiếm khoảng 71% (tương đương 117.000 tỷ đồng).
Riêng hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, theo ông Minh, trong năm 2020 có 20 NHTM tại địa phương tham gia các chương trình kết nối và cam kết cho vay 274.450 tỷ đồng. Đến cuối tháng 4/2020 các đơn vị đã thực hiện giải ngân khoảng 35.855 tỷ đồng cho trên 4.500 khách hàng DN.
Tại hội nghị, đại diện nhiều hiệp hội ngành nghề và các DN lớn tại TP.HCM đã đánh giá cao những hỗ trợ của ngành Ngân hàng trong việc gia hạn nợ, giảm lãi suất, giảm các loại phí dịch vụ theo chỉ đạo của NHNN. Đa số các kiến nghị đều mong muốn NHNN và các NHTM tiếp tục nới rộng điều kiện hỗ trợ, tăng thời gian hỗ trợ đối với các khoản vay được cơ cấu thời hạn trả nợ và kéo dài thời gian hỗ trợ thêm 1-2 năm tính từ khi Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.
Ông Trần Việt Anh, đại diện Hiệp hội DN TP.HCM cho rằng, việc hỗ trợ cộng đồng DN như hiện nay nên tiếp tục được thực hiện, kéo dài thời gian thêm nữa. Ngoài việc hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh thì các NHTM cũng cần tiếp tục quan tâm đến các DN lớn ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì trong suốt 5 tháng vừa qua, hầu như tất cả các DN đều gặp khó khăn và đuối sức. “Nếu cho các DN như ngành nhựa, ngành chất dẻo… vay vốn mua trữ nguyên liệu từ nước ngoài do giá dầu xuống thấp, chi phí nhập khẩu giảm mạnh, các DN sẽ phục hồi tốt và nhanh hơn”, ông Việt Anh chia sẻ.
Trong khi đó, bà Lý Kim Chi, Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho rằng, trong các tháng vừa qua vì phải thực hiện dự trữ các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu nên nhiều DN đã sử dụng hết hạn mức vay vốn. Hiện nay hàng tồn kho còn nhiều, lợi nhuận đến cuối quý 1/2020 của nhiều DN sụt giảm mạnh. Vì thế, các DN rất mong muốn được hệ thống NHTM ưu tiên hỗ trợ thêm về hạn mức tín dụng.
Đại diện lãnh đạo các TCTD lớn như Agribank và VietinBank cam kết sẽ đáp ứng đầy đủ vốn cho những DN đủ điều kiện. Phía Agribank cho biết, tính đến nay đơn vị này đã giảm lãi suất cho vay 43.000 tỷ đồng dư nợ, trong quý 3/2020, ngân hàng dự kiến cho vay hết gói tín dụng 1.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ DN. Trong khi đó, VietinBank cũng cam kết chấp nhận hy sinh lợi nhuận vài nghìn tỷ đồng trong năm 2020 để dồn sức hỗ trợ giảm lãi suất, giãn nợ và cho vay lãi suất thấp đối với DN.
Ghi nhận những đóng góp của ngành Ngân hàng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đánh giá rất cao những kết quả mà hệ thống NHTM tại TP.HCM đã chia sẻ, đồng hành cùng cộng đồng DN. Ông Tuyến trực tiếp chỉ đạo các sở, ngành, quận huyện tại địa phương tiếp tục sát cánh với chi nhánh NHNN và các NHTM tổ chức nhiều hơn nữa các hội nghị kết nối, tháo gỡ khó khăn để cả ngân hàng và DN vượt qua giai đoạn dịch bệnh hiện nay.
Lắng nghe các ý kiến tại hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: TP. HCM là địa bàn dẫn đầu cả nước trong hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp cả về số lượng vốn cam kết cho vay cũng như tính hiệu quả, lan tỏa. Vì vậy, trong thời gian tới, Phó Thống đốc yêu cầu NHNN Chi nhánh TP.HCM, hệ thống các TCTD tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương, đưa hoạt động kết nối đến tận các quận, huyện. Trong bối cảnh cả ngành Ngân hàng đang quyết liệt triển khai Thông tư 01, các TCTD có thể đào sâu hơn hoạt động kết nối, làm việc trực tiếp với từng hiệp hội ngành hàng, tìm hiểu khó khăn đặc thù của từng loại hình doanh nghiệp để hỗ trợ được hiệu quả và thiết thực hơn.
Riêng về góc độ điều hành, Phó Thống đốc khẳng định, trong những tháng tới, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, bám sát các mục tiêu kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định lãi suất và tỷ giá. NHNN sẽ giao các vụ, cục chức năng ghi nhận ý kiến từ DN, địa phương để chọn lựa mức độ, thời gian hỗ trợ phù hợp nhất khi sửa đổi, bổ sung các quy định tại Thông tư 01. Trong đó sẽ tính toán kỹ lưỡng đến những nội dung mà nhiều DN kiến nghị như thời gian thực hiện cơ cấu nợ, thời gian kéo dài của chính sách hỗ trợ…, để hỗ trợ DN tốt hơn nữa.
Nguồn: thoibaonganhang.vn
TIN TỨC LIÊN QUAN
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024
Tháng 8/2024 là tháng có hàng loạt chính sách mới quan trọng. Trong đó, chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2024 gồm các Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản; Luật các tổ chức tín dụng; nghị quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ; về phát triển và quản lý chợ, quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ , quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, …
Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng
Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam
Tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dự của cả nền kinh tế Việt Nam. Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng.
Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.