Chi tiết tin tức
NHNN chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh tín dụng, duy trì lãi suất hợp lý
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có chỉ đạo các
tổ chức tín dụng (TCTD); các chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu thực hiện
một số giải pháp về tín dụng và lãi suất.
Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam (NHNN) vừa có chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD); các chi nhánh
ngân hàng nước ngoài yêu cầu thực hiện một số giải pháp về tín dụng và lãi
suất.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
tại Công điện số 18/CĐ-TTg ngày 5/3/2024, Công điện số 32/CĐ-TTg ngày
05/4/2024, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/5/2024, Thông báo kết luận số
231/TB-VPCP ngày 18/5/2024 và tiếp tục triển khai nhiệm vụ tại Chỉ thị
01/CT-NHNN ngày 15/1/2024 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành
Ngân hàng trong năm 2024, NHNN đã có văn bản số 4662/NHNN-CSTT yêu cầu các tổ
chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) thực hiện một số giải pháp
về tín dụng và lãi suất.
Thứ nhất, các TCTD cần
tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ
tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy
trình cho vay để nỗ lực phấn đấu giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay, nhất là cho
các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi xanh, kinh
tế tuần hoàn, nhà ở xã hội… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển
sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo chỉ đạo
của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định,
hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh
và năng lực quản lý rủi ro, ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị
trường.
Thứ hai, tiếp tục
triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu,
đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các
lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh
tế, quyết tâm thực hiện giải pháp thiết thực, hiệu quả để phấn đấu tăng trưởng
tín dụng toàn hệ thống đến hết Quý II năm 2024 ở mức 5-6% theo chủ trương của
Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với
các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Thứ ba, tích cực
rà soát các dự án để bảo đảm cung ứng tín dụng kịp thời cho các dự án khả thi,
đẩy nhanh việc xét duyệt cho vay, áp dụng các biện pháp, hình thức tài sản đảm
bảo cho vay linh hoạt, phù hợp quy định của pháp luật, thuận lợi cho khách hàng
vay vốn. Đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp
với từng phân khúc khách hàng, chú trọng phát triển các sản phẩm tín dụng mới
đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân. Chủ động và tích cực
truyền thông kịp thời, rõ ràng, đầy đủ về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ của
TCTD để giúp người dân, doanh nghiệp nắm bắt, hiểu rõ và tiếp cận các chương
trình, chính sách của TCTD.
Thứ tư, cần tiếp
tục đẩy mạnh tham gia các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, chủ
động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã
hội để tổ chức trao đổi, đối thoại với khách hàng vay vốn nhằm nắm bắt và kịp
thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng có hiệu quả, thực
chất, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người
dân.
Tại buổi trao đổi làm rõ những vấn đề về kinh tế xã
hội mà Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu tại Hội trường ngày 29/5, Thống đốc NHNN
Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Vừa qua, NHNN đã phối hợp đồng bộ thực hiện các
giải pháp, chính sách để điều tiết tiền tệ và thực hiện can thiệp nhằm đảm bảo
nguồn ngoại tệ để doanh nghiệp nhập khẩu, phục vụ sản xuất trong nước.
Người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết, thời gian vừa
qua, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt các thành viên của Chính phủ, trong đó
có NHNN thực hiện rất nhiều các giải pháp để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín
dụng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng chỉ rõ, tín dụng tăng
thấp có rất nhiều nguyên nhân đó là vấn đề đầu ra cả về xuất khẩu và đầu ra ở
trong nước. Các lĩnh vực có vốn vay lớn như thị trường bất động sản hiện nay
đang gặp khó khăn về yếu tố pháp lý và Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt,
thành lập các Tổ công tác để hướng dẫn các địa phương giải quyết.
“Lãnh đạo Chính phủ thời gian vừa qua đã tăng
cường chỉ đạo việc thúc đẩy đầu tư công và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, qua đó sẽ
tác động lan tỏa dòng tiền đối với doanh nghiệp và từ đó sẽ kích hoạt tín dụng
của hệ thống ngân hàng”, Thống đốc nói.
Nguồn: baochinhphu.vn
TIN TỨC LIÊN QUAN
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024
Tháng 8/2024 là tháng có hàng loạt chính sách mới quan trọng. Trong đó, chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2024 gồm các Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản; Luật các tổ chức tín dụng; nghị quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ; về phát triển và quản lý chợ, quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ , quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, …
Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng
Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam
Tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dự của cả nền kinh tế Việt Nam. Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng.
Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.