Chi tiết tin tức
Nhiều doanh nghiệp Việt chưa chú trọng xây dựng thương hiệu
Mới đây, lần đầu tiên Forbes Việt Nam thực hiện định giá thương hiệu, tìm được 40 thương hiệu công ty có giá trị lớn nhất Việt Nam với tổng giá trị gần 5 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, các thương hiệu của doanh nghiệp Việt, kể cả nhiều thương hiệu trong Top 40 vừa công bố, mới chỉ đạt được những thành công bước đầu, tạo được uy tín và thói quen của người tiêu dùng chứ chưa thực sự chạm tới ngưỡng được người tiêu dùng yêu thích giống như các thương hiệu toàn cầu như Pepsi, iPhone…
Trong khi đó, phần lớn các Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, chưa có thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn kinh doanh, bao gồm cả tư vấn về thương hiệu. Điều này dẫn đến việc nhiều sản phẩm có chất lượng phải chịu thiệt do doanh nghiệp phải vay mượn thương hiệu từ các tập đoàn hay quốc gia khác.
Theo bà Hoàng Thị Mai Hương, Chủ tịch Hội đồng điều hành Tập đoàn Publicis One Việt Nam, để xây dựng được thương hiệu mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam cần dựa trên cảm xúc người tiêu dùng, phải “ôm chặt” người tiêu dùng, gắn chương trình hành động của doanh nghiệp với người tiêu dùng. Việc marketing thương hiệu đối với doanh nghiệp là chưa đủ mà cần tổ chức thêm các hoạt động để nâng cao việc nhận diện thương hiệu.
Bên cạnh sản phẩm có chất lượng tốt, doanh nghiệp cần phải luôn có sự sáng tạo, đi đầu và đổi mới các sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng, đồng thời nhận trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra để khắc phục… Từ đó, theo thời gian, thương hiệu của doanh nghiệp sẽ dần chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng Gám đốc Công ty quảng cáo T&A Ogilvy, một chuyên gia uy tín trong lĩnh truyền thông cho rằng, thương hiệu đóng vai trò rất quan trọng đối với doanh nghiệp, nhưng quan trọng bởi những gì thương hiệu đó đã làm được chứ không phải những gì được nói ra.
Thực tế cho thấy Vinamilk là thương hiệu dẫn đầu của các doanh nghiệp Việt Nam theo bình chọn của Forbes bởi đơn vị này đã xây dựng và phát triển thương hiệu cho mình một cách bài bản, từ việc marketing đến các hoạt động xã hội, hướng tới cộng đồng. Và quan trọng hơn, Vinamilk cho cộng đồng thấy được các chương trình hành động cụ thể của mình để tạo ra các sản phẩm chất lượng phục vụ người tiêu dùng.
Bên cạnh sự thành công của Vinamilk, câu chuyện gạo của Việt Nam vẫn đang trong tình trạng loay hoay tìm hướng đi là một ví dụ cho thấy việc đầu tư thiếu bài bản trong phát triển thương hiệu.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cho biết, mặc dù sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng tốt, nhưng Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) vẫn chưa xây dựng được các thương hiệu gạo mạnh do đơn vị này dàn trải quá nhiều sản phẩm, bao bì mẫu mã và tên gọi của các sản phẩm cũng khá giống nhau nên không để lại nhiều ấn tượng cho người tiêu dùng.
Câu chuyện xây dựng thương hiệu HVNCLC
Chia sẻ về câu chuyện xây dựng thương hiệu HVNCLC thành công trong suốt 20 năm qua, bà Vũ Kim Hạnh cho biết, chương trình HVNCLC thành công là do có sự tìm hiểu kỹ về nhu cầu thị trường, thấu hiểu được doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo cầu nối cho 2 bên gặp nhau, liên kết và kết hợp các nguồn lực xã hội, có sự đổi mới và sáng tạo liên tục.
Các hội chợ HVNCLC được tổ chức liên tục suốt trong năm ở các trung tâm tiêu dùng lớn của cả nước hay như các phiên chợ hàng Việt về nông thôn giúp doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối. Cùng với đó, Hội Doanh nghiệp HVNCLC cũng quy hoạch xây dựng bản đồ phân phối cho doanh nghiệp.
Bà Hạnh cho biết, hầu hết các công ty hàng tiêu dùng trong Top 40 thương hiệu công ty có giá trị lớn nhất Việt Nam do Forbes Việt Nam công bố mới đây đều là các doanh nghiệp HVNCLC như Vinamilk, Nutifood, TH True milk, Dược Hậu Giang, Thiên Long….
Tuy nhiên, với các DNNVV, việc phát triển thương hiệu còn nhiều hạn chế, vẫn còn những nhầm lẫn nhãn hiệu là thương hiệu, thương hiệu là bao bì, xây dựng thương hiệu là quảng cáo. Một số doanh nghiệp vẫn còn lối suy nghĩ: Chất lượng tốt cần gì thương hiệu; ít tiền, làm sao xây dựng thương hiệu; hàng không đủ bán cần gì xây dựng thương hiệu hay như “liệu cơm gắp mắm, hữu xạ tự nhiên hương”…
Bên cạnh những hạn chế nêu trên, hiện nay, nhiều thương hiệu hàng Việt uy tín đang bị làm giả, làm nhái, gây ảnh hưởng tới niềm tin của người tiêu dùng.
Theo Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC, trước tình hình hiện nay, việc xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp cũng có nhiều đổi khác. Bên cạnh các thương hiệu HVNCLC đã lớn mạnh, nhiều DNNVV vẫn sẽ là những đối tượng cần được hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, muốn hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp, cần có sự chung tay từ Nhà nước bởi nguồn lực từ Hội còn nhiều hạn chế.
TIN TỨC LIÊN QUAN
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024
Tháng 8/2024 là tháng có hàng loạt chính sách mới quan trọng. Trong đó, chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2024 gồm các Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản; Luật các tổ chức tín dụng; nghị quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ; về phát triển và quản lý chợ, quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ , quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, …
Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng
Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam
Tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dự của cả nền kinh tế Việt Nam. Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng.
Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.