Chi tiết tin tức
Ngành Ngân hàng quyết tâm với mục tiêu không để doanh nghiệp gặp khó khăn
Ngành Ngân hàng đặt mục tiêu hỗ trợ vốn, duy trì sự ổn định, hạn chế thấp nhất sự đổ vỡ hay rút khỏi thị trường của doanh nghiệp, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú phát biểu tại buổi họp báo thông tin hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2021 diễn ra sáng nay (21/6).
![]() |
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại buổi họp báo |
Hỗ trợ doanh nghiệp là mục tiêu trọng tâm
Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá, các đợt dịch COVID-19 bùng phát từ Tết đến nay đã tác động rất lớn đến nền kinh tế, trong đó có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngành Ngân hàng. Tuy nhiên, NHNN vẫn đặt mục tiêu hỗ trợ vốn, duy trì sự ổn định, hạn chế thấp nhất sự đổ vỡ hay rút khỏi thị trường của doanh nghiệp. Đó là quan điểm chung của Chính phủ, trong nhiều phiên họp từ Trung ương đến địa phương Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt.
“Ngành Ngân hàng coi đây là mục tiêu hết sức trọng tâm trong 6 tháng vừa qua, duy trì để doanh nghiệp không gặp khó khăn. Bởi đến nay, nguồn vốn dự trữ của nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt, khả năng chống chịu suy giảm trước những khó khăn do dịch COVID-19”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Do hạn chế tiếp xúc đông người, hoạt động của ngành Ngân hàng trong 6 tháng đầu năm tổ chức chủ yếu theo hình thức trực tuyến, các chương trình kết nối doanh nghiệp với các địa phương, khu vực đã diễn ra rất tích cực. Với các giải pháp điều hành đồng bộ, tính đến 15/6/2021, tín dụng nền kinh tế tăng 5,1%, trong khi cùng kỳ năm ngoài chỉ tăng 2,26%, như vậy tăng trưởng tín dụng đến thời điểm này gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
“Với con số này, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế 12% cho cả năm nay không có gì khó. Nếu dịch được khống chế tốt thì có thể mở rộng tín dụng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Về hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Thông tư 01 trước đây và đặc biệt là Thông tư 03 mới được ban hành vừa tạo điều kiện cho các NHTM tiếp tục chính sách giãn, hoãn nợ đến hạn phải trả cho doanh nghiệp bị tác động của dịch COVID-19, buộc các NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro hợp lý, đảm bảo hài hòa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nguồn tài chính vững mạnh. Đồng thời, xác định các khoản nợ, không làm cho câu chuyện nợ xấu xảy ra trong thời gian tới. NHNN ngăn chặn các vấn đề về bùng phát nợ xấu do tác động của dịch và đảm bảo an toàn tài chính.
Quyết tâm mục tiêu đặt ra từ đầu năm
Bàn về điều hành chính sách tiền tệ trong 6 tháng qua, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tình hình kinh tế – chính trị – xã hội tiếp tục với đà phát triển, dù tình hình dịch phức tạp nhưng vẫn đạt được nhiều kết quả rất tích cực, trong đó có sự đóng góp của lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng.
NHNN tiếp tục điều hành hoạt động chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng theo mục tiêu đặt ra ngay từ đầu năm. Quá trình triển khai, tổ chức hoạt động đạt được kết quả mong muốn trong thời điểm hiện nay, đây là đóng góp chung cùng với các lĩnh vực trong nền kinh tế, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ mới và người đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ.
NHNN tiếp tục theo đuổi điều hành các chính sách tiền tệ linh hoạt, gắn với quy luật thị trường, tuân theo quy luật của nền kinh tế thị trường và thực hiện các mục tiêu của Chính phủ, Quốc hội giao cho ngành Ngân hàng.
Tính đến ngày 15/6/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,96% so với cuối năm 2020 và tăng 14,27% so với cùng kỳ 2020. Thanh khoản của hệ thống TCTD dồi dào, dự trữ bắt buộc được đảm bảo, thanh khoản của nền kinh tế và thanh khoản của các NHTM cũng được đảm bảo và có xu hướng tích cực.
Đặc biệt, lãi suất cơ bản được điều hành linh hoạt trên nền tảng 3 lần giảm lãi suất trong năm 2020, lãi suất trong 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì ở mức thấp. NHNN chỉ đạo các NHTM tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp.
“Mặc dù có tác động của kinh tế thế giới, ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay, NHNN vừa điều hành linh hoạt, có những điều hành hợp lý, tăng thêm nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế nhưng vẫn kiểm soát lạm phát. Chính vì thế, trong 6 tháng đầu năm, mức lãi suất các NHTM nhìn chung có giảm, cũng có một số NHTM có lãi suất huy động tăng nhưng đối với 4 NHTM Nhà nước có tích chất chủ lực trên thị trường vẫn tiếp tục duy trì sự ổn định. Các NHTM tích cực giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Về tỷ giá, ngoại tệ, với các chính sách điều hành tỷ giá tạo điều kiện chủ động cho các doanh nghiệp và ngân hàng cân đối lượng ngoại tệ trong giao dịch và sát với cung cầu ngoại tệ của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Tái cơ cấu các TCTD là một quá trình
Về cơ cấu các TCTD, trong 10 năm vừa qua có đề án tái cơ cấu toàn bộ cũng là một trong những kết quả NHNN có tổng kết đánh giá, bước đầu xây dựng đề án tái cơ cấu các TCTD trong giai đoạn mới 2021-2025.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tái cơ cấu là quá trình, bản chất là điều hành thực hiện mục tiêu triển khai các chính sách phát triển lành mạnh, đảm bảo năng lực về mặt tài chính, năng lực quản trị, chất lượng hoạt động, quy mô vốn và tài chính.
Từ nay đến cuối năm, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, NHNN tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến khả năng hoàn thành các mục tiêu tại Phương án cơ cấu lại của các TCTD cũng như đến an toàn hệ thống để đề xuất các giải pháp chỉ đạo, xử lý phù hợp; chỉ đạo các ngân hàng tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định pháp luật, tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức an toàn…
“Việc cơ cấu lại các TCTD được gắn với chiến lược phát triển riêng của ngành Ngân hàng và sự phát triển chung của nền kinh tế. Thời gian tới, khi được chính thức phê duyệt nội dung đề án tái cơ cấu, chúng tôi sẽ công bố với báo chí”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Bên cạnh đó, hoạt động của ngành Ngân hàng không thể không kể đến tín dụng chính sách trong nhiều năm qua, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tài chính vi mô tiếp tục phát huy vai trò rất quan trọng. Trong buổi tổng kết Chỉ thị 40, Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội đánh giá rất cao kết quả này. NHNN sẽ cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội, các NHTM, các quỹ tín dụng đẩy nhanh quá trình này để hoàn thành mục tiêu quốc gia, mục tiêu xóa đói giảm nghèo. NHNN luôn quán xuyến, phải có cơ chế để huy động nguồn lực phù hợp nhằm tăng tỷ lệ giảm nghèo và giảm nghèo bền vững.
Cùng với đó, NHNN cũng đã dành thời lượng rất lớn cho chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ hệ thống thanh toán tiếp cận khách hàng, triển khai dịch vụ hiện đại, đảm bảo an toàn cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, “Công tác hỗ trợ mua vắc-xin của ngành Ngân hàng cũng được quan tâm. Ngân hàng là một trong những ngành có đóng góp tích cực. Toàn hệ thống, các NHTM phát động ủng hộ một ngày lương để hỗ trợ Quỹ vắc-xin hơn 1.200 tỷ đồng. Đây là trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp trong phòng, chống dịch COVID-19”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và Chính phủ đề ra về phát triển kinh tế, dù còn khó khăn.
Hương Giang (thời báo ngần hàng)
TIN TỨC LIÊN QUAN
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024
Tháng 8/2024 là tháng có hàng loạt chính sách mới quan trọng. Trong đó, chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2024 gồm các Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản; Luật các tổ chức tín dụng; nghị quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ; về phát triển và quản lý chợ, quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ , quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, …
Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng
Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam
Tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dự của cả nền kinh tế Việt Nam. Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng.
Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.