Chi tiết tin tức
Lời giải để kinh tế bứt phá
Quyết liệt xóa tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”
Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: tăng trưởng GDP dựa chủ yếu trên 3 yếu tố: vốn, lao động và năng suất tổng hợp (TFP). Để nền kinh tế bứt phá, việc thúc đẩy năng suất lao động, tăng đóng góp của TFP (thông qua cải cách thể chế) trong khi huy động và nâng cao được chất lượng vốn sẽ là những yếu tố rất quan trọng.
Trong đó, vốn đến từ 3 nguồn cơ bản: vốn từ Nhà nước; vốn FDI và vốn từ khu vực tư nhân. Trong bối cảnh dư địa vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước không còn nhiều; giải ngân vốn FDI trong nhiều năm qua chỉ duy trì trong khoảng trên 10 tỷ USD/năm và dù có thể tiếp tục tăng nhưng khó kỳ vọng đột phá, việc tạo MTKD, đầu tư thuận lợi để thúc đẩy vốn từ khu vực tư nhân chính là lời giải để kinh tế bứt phá.
Nếu nhìn dưới góc độ đó và “soi lại” những gì Chính phủ đã làm, ông Hoàng Trường Giang – Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, MTKD tại Việt Nam trong những năm qua thực sự đã có những cải thiện. “Liên tục trong các năm 2014 – 2018, mỗi năm Chính phủ đều ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện MTKD và điều này đã mang lại những chuyển biến rất tích cực”, ông Giang nói và cho biết, bước sang năm 2019, có Nghị quyết 02 vẫn về vấn đề này nhưng cách tiếp cận tương đối khác so với các Nghị quyết 19 trước đây, đó là đặt các mục tiêu ở mức độ vừa phải và quyết tâm đạt được.
Theo vị này, thay đổi căn bản nhất trong Nghị quyết 02 đó là giao quyền và trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai cải thiện MTKD một cách cụ thể. “Đây là một điểm mới và tôi nghĩ sẽ là một trong những điểm bứt phá của năm nay”, ông Giang nhận định.
Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là những nỗ lực cải thiện đó đã thực sự chạm tới cộng đồng DN khi vẫn có rất nhiều ý kiến cho rằng dù các chính sách, nghị quyết là rất đúng và kịp thời nhưng khâu triển khai, thực hiện của các cấp phía dưới thì còn nhiều nơi, nhiều lúc chưa tốt, các hoạt động như thanh, kiểm tra gây khó khăn cho DN vẫn còn.
“Về mặt vĩ mô tôi thấy ổn rồi nhưng khâu thực thi phía dưới thì chưa ổn”, ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV nói. Và điều đáng mừng là cho dù vẫn còn vì “không dễ để sạch trơn ngay được” nhưng tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, hay “trên rải thảm, dưới rải đinh” đã ít đi.
Nỗ lực phải đến từ hai phía
Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cũng cho rằng, các DN mới thành lập công ty, thay đổi giấy phép kinh doanh hay có liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh xuất – nhập khẩu thì sẽ thấy rất rõ những cải cách đã diễn ra tích cực như thế nào. Trong khi đó, còn nhiều DNNVV không nắm được về các cải thiện đang diễn ra vì ít chịu tìm hiểu thông tin hoặc không quan tâm vì cho rằng nó không liên quan hay mang lại ích lợi gì cụ thể cho hoạt động của DN mình.
“Ví dụ như Hiệp hội chúng tôi có rất nhiều chương trình đào tạo cho các DN, trong đó Nhà nước hỗ trợ một nửa còn DN chỉ phải đóng một nửa nhưng mà hô hào mãi thì mới có DN tham gia bởi vì DN cho rằng mất thời gian. Những vấn đề như vậy cho thấy câu chuyện còn phụ thuộc vào chính bản thân các DN nữa”, ông Thân cho biết.
Còn theo ông Phan Đức Hiếu – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), MTKD trong thời gian qua đã có cải thiện nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng của cộng đồng DN. Cụ thể, ông Hiếu cho rằng cần tiếp tục có những thay đổi về tư duy, theo hướng các cơ quan quản lý nhà nước dù nhìn lại thấy đã làm tốt rồi nhưng vẫn phải suy nghĩ để tìm ra cách thức làm sao làm tốt hơn trong tương lai.
“Những thay đổi tư duy dù nhỏ nhưng phải rất cụ thể và cần tư duy rằng, mình đã làm tốt nhưng nếu DN vẫn kêu khó khăn thì có nghĩa là việc cải cách cần tiếp tục làm tốt hơn”, ông Hiếu nói.
Đề cập cụ thể hơn về những việc cần làm trong năm nay để cải thiện MTKD, Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty Luật Basico đề nghị cần kiên quyết xóa bỏ con dấu DN, xóa bỏ ít nhất 1/3 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và tiếp tục xóa bỏ ít nhất 1/2 các điều kiện kinh doanh. “Tôi đề nghị là phải giảm thật, giảm về thực chất chứ còn cứ giảm về số lượng thì vô nghĩa”, ông Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Trong khi đó theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, Nhà nước cần bứt phá ở 3 điểm: bứt phá về giá trị chuẩn quốc gia (trên cơ sở hội tụ của 4 giá trị chuẩn gồm giá trị tốt nhất của Chủ nghĩa Xã hội, giá trị tốt nhất của dân tộc, giá trị tốt nhất của thế giới và giá trị tốt nhất của kinh tế thị trường); bứt phá về cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia; và bứt phá bảo vệ lợi ích cho DN mà điều cần quan tâm nhất là làm sao để cho DN không bị tăng chi phí thêm.
Về phía DN, TS. Phong cho rằng cần có bứt phá về tiêu chuẩn và quy chuẩn mang tính quốc tế hóa, bởi nếu DN vẫn chỉ làm theo các tiêu chuẩn trong nước hay của chính DN thì không thể nào bứt phá, cạnh tranh với quốc tế được. Bên cạnh đó, DN cũng cần bứt phá trên cơ sở bảo vệ người tiêu dùng.
“Nếu DN chỉ muốn kiếm lợi cho mình và loay hoay tìm mọi cách, như đòi hỏi Chính phủ phải tạo cho mình có lợi nhưng lại không giúp cho thị trường phát triển và đặc biệt là không bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì cũng không thể bứt phá đúng hướng được”, TS. Phong nêu quan điểm.
Ngoài ra, DN cần bứt phá mạnh mẽ trong tính cộng đồng và liên kết chuỗi, đặc biệt là phát huy tinh thần dân tộc, chứ còn nếu DN này lấn hay phá DN kia thì cũng khó mà có thể bứt phá./.
Nguồn: Đỗ Lê (thoibaonganhang.vn)
TIN TỨC LIÊN QUAN
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024
Tháng 8/2024 là tháng có hàng loạt chính sách mới quan trọng. Trong đó, chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2024 gồm các Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản; Luật các tổ chức tín dụng; nghị quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ; về phát triển và quản lý chợ, quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ , quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, …
Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng
Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam
Tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dự của cả nền kinh tế Việt Nam. Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng.
Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.