Chi tiết tin tức
Kinh tế 9 tháng khởi sắc, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát
Ngày 29/9/2022 tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2022. Theo đó, tăng trưởng GDP quý III/2022 ước tăng 13,67% so với cùng kỳ, cao hơn đáng kể so với mức dự báo tăng trưởng 10 – 11%, lạm phát vẫn ở trong tầm kiểm soát.
![]() |
Ảnh minh họa |
GDP 9 tháng tăng cao nhất giai đoạn 2011 – 2022
Thông tin về tình hình kinh tế – xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2022, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng GDP quý III/2022 có sự phục hồi rõ nét với mức tăng trưởng ước tính 13,67% so với cùng kỳ năm trước.
Dù mức tăng trưởng cao của quý III/2022 được dự báo từ trước song con số tăng trưởng 13,67% vẫn cao hơn so với con số kỳ vọng 10 – 11% được các chuyên gia và các tổ chức tài chính quốc tế đưa ra trước đó.
“Sở dĩ quý III/2022 tăng trưởng GDP đạt mức hai con số là do so với nền tăng trưởng âm của quý III/2021 khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19”, bà Nguyễn Thị Hương cho hay.
Nhờ vậy, GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 – 2022, cho thấy các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế 9 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17%.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành chăn nuôi phát triển ổn định, khai thác gỗ được đẩy mạnh, sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi nhanh với mức tăng 9 tháng năm 2022 đạt 9,63% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,25 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Khu vực dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng 9 tháng năm 2022 đạt 10,57%, cao nhất của 9 tháng các năm 2011 – 2022.
![]() |
Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như: ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,24% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 1 điểm phần trăm; ngành vận tải kho bãi tăng 14,2%, đóng góp 0,83 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 41,7%, đóng góp 0,81 điểm phần trăm…
Đánh giá về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2022, bà Hương cho hay khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 11,27%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,69%; khu vực dịch vụ chiếm 41,31%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,73%.
Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát
“Kinh tế – xã hội 9 tháng năm 2022 của nước ta diễn ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới trở nên khó khăn hơn khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine kéo dài; lạm phát duy trì ở mức cao, nhất là ở châu Âu và Mỹ; xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia; thời tiết diễn biến bất thường ở nhiều châu lục… Tuy vậy, kinh tế nước ta khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn kiểm soát được lạm phát. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào và một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022 – 2023.
So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%.
CPI bình quân quý III/2022 tăng 3,32% so với quý III/2021. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; Lạm phát cơ bản tăng 1,88%.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, với chỉ số trên, chúng ta có thể yên tâm kiểm soát lạm phát năm khoảng 4% như Quốc hội đặt ra.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hương cũng cho biết, vẫn còn một số yếu tố có thể làm tăng CPI những tháng cuối năm và áp lực cho năm 2023.
Cụ thể, giá nguyên nhiên vật liêu hiện nay vẫn đang ở mức cao, mà Việt Nam đang phải nhập khẩu phần lớn nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất.
“Nhập giá cao sẽ tác động chi phí, đẩy giá thành sản phẩm lên cao, tạo áp lực lên lạm phát của nền kinh tế”, bà Nguyễn Thị Hương nói.
Mặt khác, giá Đô la Mỹ cũng đang tăng và càng làm tăng thêm chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá.
Thực tế, chỉ số giá nhập khẩu tăng rất cao kể từ năm 2012 đến nay. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu trên 90% là tư liệu sản xuất.
“Điều này cho thấy doanh nghiệp đang chịu sức ép về giá rất lớn trong chi phí sản xuất”, theo bà Nguyễn Thị Hương.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, giá xăng dầu sắp tới vẫn diễn biến phức tạp. Giá thế giới đang giảm nhưng rủi ro giá tăng hiện hữu vì cuộc xung đột Nga – Ukraine chưa biết bao giờ chấm dứt.
Trong khi giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc thường tăng vào cuối năm; Hay thiên tai, dịch bệnh ở các dịa phương cũng có thể làm giá cả tăng lên…
Kinh tế trong nước lại đang phục hồi rõ nét, kết quả tăng trưởng quý III và 9 tháng cho thấy phục hồi mạnh mẽ và còn tiếp tục phục hồi trong những tháng cuối năm làm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa trong dân tăng mạnh.
“Những điều trên sẽ là là áp lực lớn cho việc kiểm soát lạm phát năm 2023. Do đó, đòi hỏi tiếp tục phải có những biện pháp kiểm soát giá chặt chẽ”, bà Nguyễn Thị Hương cho hay.
thoibaonganhang.vn
TIN TỨC LIÊN QUAN
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024
Tháng 8/2024 là tháng có hàng loạt chính sách mới quan trọng. Trong đó, chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2024 gồm các Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản; Luật các tổ chức tín dụng; nghị quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ; về phát triển và quản lý chợ, quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ , quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, …
Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng
Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam
Tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dự của cả nền kinh tế Việt Nam. Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng.
Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.