Chi tiết tin tức
Hỗ trợ doanh nghiệp: Cần huy động sức mạnh tổng thể
Sẻ chia khó khăn với doanh nghiệp
Phát biểu tại Diễn đàn “Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh”, ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến nhiều doanh nghiệp kiệt quệ, thậm chí không ít doanh nghiệp đã phải đóng cửa ngừng hoạt động, dẫn tới người lao động mất việc hoặc thiếu việc làm, không ít trong số này đã phải về quê để sinh sống. Vì vậy việc khôi phục lại sản xuất sẽ là bài toán nan giải.
Để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với những khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhiều chính sách hỗ trợ liên tục được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành ban hành. Cụ thể về chính sách tiền tệ, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho biết, ngay khi dịch bùng phát, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNH cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. “Đến nay thông tư đã thay đổi tới lần thứ 3, mới đây nhất là Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư 01. Điều đó cho thấy ngành Ngân hàng đã vào cuộc rất sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cũng là tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng”, ông Hùng chia sẻ.
Cần phát huy sức mạnh tổng thể của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Riêng thời gian thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, hệ thống ngân hàng đã giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp với tổng số tiền lãi giảm từ 15/7 đến 30/9 là 12.236 tỷ đồng đạt 59,36% cam kết.Kết quả đến nay, đã có 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng được hỗ trợ với dư nợ lũy kế từ 2020 đến cuối tháng 9/2021 là 5,2 triệu tỷ đồng. Tổng số tiền lãi mà các TCTD đã miễn, giảm lãi cho doanh nghiệp vào khoảng 32.000 tỷ đồng.
Về phía chính sách thuế, ông Nguyễn Văn Phụng – đại diện Tổng Cục thuế thông tin, trong thời gian vừa qua, với tư tưởng “khoan thư sức dân”, ngành thuế đã nỗ lực làm mọi biện pháp giúp giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Cụ thể, trong năm 2020, khi dịch bệnh vừa xảy ra từ tháng 3, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thời gian nộp tiền thuê đất.
Bước sang năm 2021, Nghị định 52/NĐ-CP của Chính phủ ban hành đã có phạm vi rộng hơn, nhanh hơn, được gia hạn thuế nhiều hơn. Năm nay, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội cho phép doanh nghiệp được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2021.
“Cho dù biết rằng, doanh nghiệp lớn có khó khăn lớn, doanh nghiệp nhỏ có khó khăn nhỏ, nhưng đứng về lĩnh vực tài chính ngân sách, thì nguồn lực quốc gia chưa đủ, chưa có điều kiện để chia sẻ với doanh nghiệp lớn bằng tiền mặt, vì vậy sẽ chia sẻ bằng cơ chế chính sách, bằng những động thái để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể phát triển, phục hồi nhanh”, ông Phụng chia sẻ.
Hỗ trợ quyết liệt, mạnh mẽ hơn
Theo Tổng thư ký VCCI, để cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, các chính sách hỗ trợ cần quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, thông suốt, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, kịp thời, dễ tiếp cận. Quy mô hỗ trợ phải tương xứng với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, điều kiện, tiêu chuẩn các gói hỗ trợ phải khả thi; quy trình, thủ tục phải được đơn giản hóa tối đa. Đồng thời, có cơ chế giám sát, kiểm tra sát sao việc thực hiện và chế tài xử lý để tránh lợi dụng, trục lợi chính sách.
TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho biết, bài học kinh nghiệm quốc tế trong việc hỗ trợ doanh nghiệp cho thấy, việc triển khai nhanh, gọn, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin và dùng các kênh chuyển tiền khác nhau sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với các chính sách. Bên cạnh đó, nhà nước cũng phải chấp nhận thâm hụt ngân sách tăng, nợ công tăng. Hiện thâm hụt ngân sách nhà nước và nợ công vẫn trong tầm kiểm soát và thấp hơn các nước trong khu vực, trong khi có cơ hội tăng vay nợ trong nước và vay quốc tế với lãi suất thấp.
Nhận định dư địa của các TCTD hiện đã hết hoặc còn rất nhỏ, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, tất cả những khoản nợ mà doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã được cơ cấu nợ về bản chất là nợ dưới chuẩn. Do đó việc xem xét cho vay mới là khó khăn với TCTD, đặc biệt khi doanh thu của doanh nghiệp giảm, tài sản đảm bảo thiếu… Vì vậy, cần cơ chế đặc biệt để các TCTD xem xét hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời muốn nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, cần nâng cao vai trò của Qũy bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.
Đại diện VNBA cũng nhấn mạnh cần chính sách tài khoá hỗ trợ bằng “tiền tươi thóc thật” cho doanh nghiệp. Bởi trên thực tế, nhiều quốc gia cũng hỗ trợ doanh nghiệp bằng giải pháp này, qua đó để nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách. Theo đó, Chính phủ có thể tăng phát hành trái phiếu qua đó có nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp vượt giai đoạn khó khăn.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh đến việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Theo đó, cần thực hiện mạnh mẽ 2 chương trình. Thứ nhất là nhóm thủ tục đưa dự án đầu tư vào hoạt động. Thứ hai là nhóm thủ tục xuất nhập khẩu. Quy mô xuất khẩu đang rất lớn, nên nếu quá trình làm thủ tục này được rút ngắn, thì hiệu quả tạo ra sẽ rất mạnh.
Ông Trần Đức Minh – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Triệu Sơn (Triso Group) nêu kiến nghị cần chính sách trợ giá sàn (quỹ bình ổn giá) với các sản phẩm nông nghiệp để doanh nghiệp yên tâm đầu tư và sản xuất, khắc phục tình trạng bấp bênh giá của các sản phẩm nông nghiệp, được mùa thì mất giá như hiện nay./.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)
Nguồn: Quỳnh Trang (thoibaonganhang.vn)
TIN TỨC LIÊN QUAN
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024
Tháng 8/2024 là tháng có hàng loạt chính sách mới quan trọng. Trong đó, chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2024 gồm các Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản; Luật các tổ chức tín dụng; nghị quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ; về phát triển và quản lý chợ, quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ , quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, …
Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng
Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam
Tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dự của cả nền kinh tế Việt Nam. Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng.
Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.