Chi tiết tin tức
Doanh nghiệp FDI vượt trội, doanh nghiệp trong nước đuối sức
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, một trong những chủ tọa, đã thông báo rằng Việt Nam ký kết FTA với EU tại Bỉ ngày 2-12, và sắp tới là TPP để mở ra một giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng chưa từng có. “Việt Nam chuẩn bị cho giai đoạn mới và cần cải cách thể chế thực chất để nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông nói. Song, vấn đề là các cơ hội hội nhập đang nuôi dưỡng các doanh nghiệp FDI, thay vì doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Có hàng loạt câu chuyện về tình trạng tương phản trên.
Bà Sherry Boger, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam, cho biết năm nay tổng kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Việt Nam tăng khoảng 20%, đạt 45 tỉ đô la Mỹ, và kỳ vọng đạt 80 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020, thậm chí còn có thể cao hơn khi có TPP.
Hơn thế nữa, Việt Nam đang gia tăng vị thế là nhà cung cấp hàng đầu trong khu vực ASEAN cho Mỹ với thị phần của Việt Nam chiếm 22%, và có thể vượt 30% trước năm 2020. Dù vậy, bà nói: “Rất ít các công ty Việt Nam nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu”. Mặc dù Việt Nam đã và đang thu hút đầu tư nước ngoài với tăng trưởng xuất khẩu khá lớn, hơn hai phần ba xuất khẩu của Việt Nam là từ các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài; và nguyên vật liệu, phụ tùng, linh kiện nhập khẩu chiếm 90% giá trị xuất khẩu.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc bày tỏ lo ngại: “Điểm nghẽn đáng quan ngại nhất của phát triển lại là khu vực giữ vai trò động lực – khu vực tư nhân trong nước. Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập, nhưng khu vực kinh tế tư nhân trong nước vẫn cô đơn”.
“Điểm nghẽn đáng quan ngại nhất của phát triển lại là khu vực giữ vai trò động lực – khu vực tư nhân trong nước. Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập, nhưng khu vực kinh tế tư nhân trong nước vẫn cô đơn”.
Khảo sát của VCCI công bố tại diễn đàn cho biết, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước còn quá yếu kém. Gần 70% doanh nghiệp vẫn kinh doanh không có lãi. Mặc dù khu vực kinh tế tư nhân trong nước đóng góp gần 50% GDP, nhưng riêng khu vực cá thể đã đóng góp tới 33% GDP, cho thấy khu vực kinh tế tư còn quá manh mún với phần còn lại. Có tới 96% số doanh nghiệp tư nhân là nhỏ và siêu nhỏ.
Theo ông Lộc, các cuộc khảo sát gần đây của VCCI về cải cách thủ tục hành chính nhất là trong lĩnh vực thuế và hải quan cho thấy một tín hiệu đáng lo ngại: doanh nghiệp tư nhân càng lớn thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao, doanh nghiệp quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều. “Đây là một lực cản đáng kể để các doanh nghiệp không lớn lên được và quy mô bình quân của doanh nghiệp Việt Nam đang nhỏ dần”, ông nói.
Bên cạnh đó, ông cho rằng sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh đang là một trong những điểm quan ngại hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay. Sự chậm trễ, hiện tượng oan sai trong xét xử, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế và hiệu lực thi hành các phán quyết của tòa án không nghiêm, hiện tượng không công nhận và toà án hủy các phán quyết trọng tài khá tùy tiện… đang phát đi những tín hiệu không tốt về môi trường kinh doanh lành mạnh.
Là thành viên Chính phủ phụ trách sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân, ông Vinh không né tránh thực trạng này. Ông nói: “Năng lực cạnh tranh còn thấp, còn tham nhũng, môi trường kinh doanh dù đã được cải cách nhưng thực thi còn nhiều yếu kém. Việt Nam còn nhiều hạn chế trong hoàn thiện thể chế kinh tế trong khi yêu cầu ngày càng cao hơn khi hội nhập”.
Những bức bách cụ thể và không mới
Những doanh nghiệp khác nhau đương nhiên có những ưu phiền khác nhau. Nhưng, hầu hết là những ưu phiền đã cũ.
Ông Ken Atkinson, Nhóm công tác du lịch, cho rằng còn nhiều vấn đề tồn đọng trong chính sách thị thực, dù Việt Nam đã bổ sung năm nước châu Âu và Belarus vào danh sách các nước được miễn thị thực. Hiện nay Việt Nam mới chỉ có chính sách miễn giảm hoặc miễn thị thực cho công dân của 21 quốc gia, ít hơn rất nhiều so với các nước láng giềng như Malaysia (164 nước), Philippines (157 nước), Indonesia (45 nước) và Thái Lan (52 nước). Indonesia và Thái Lan đã cấp thị thực khi nhập cảnh tại sân bay cho hầu hết các nước.
Danh sách các nước được miễn thị thực khi tới Việt Nam cần được mở rộng hơn nữa. Hiện vẫn còn nhiều khiếu nại chung từ đại diện của các nhà đầu tư nước ngoài rằng họ vẫn bị yêu cầu xin thị thực. Điều này là không phù hợp.
Nhóm công tác giáo dục và đào tạo đặc biệt lo ngại về Nghị Định 73 (thay thế Nghị định 06) áp dụng cho các dự án đầu tư nước ngoài và hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở Việt Nam.
Điều 24 của nghị định này giới hạn về tỷ lệ 10%, 20% học sinh Việt Nam trong các trường quốc tế. Nhóm giáo dục và đào tạo cho rằng quy định này “chưa hợp lý”. Thứ nhất, nhu cầu của học sinh Việt Nam được học tại trường quốc tế ngày càng tăng. Nếu Chính phủ không cho phép họ học tại Việt Nam thì họ cũng sẽ ra nước ngoài học. Thực tế, số lượng học sinh du học hàng năm ngày càng tăng. Hiện có hơn 110.000 du học sinh ở 47 quốc gia với mức học phí 30.000-40.000 đô la Mỹ mỗi năm. Có thể thấy, người Việt Nam, mỗi năm đang “xuất khẩu” khoảng gần 3 tỉ đô la Mỹ để được hưởng nền giáo dục quốc tế.
Với việc hạn chế tỷ lệ này sẽ không thể thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục tại các tỉnh thành ngoài Hà nội, TPHCM Đà Nẵng bởi tỷ lệ 10% và 20% nói trên được tính trên số lượng học sinh nước ngoài của trường. Như vậy, nếu các cơ sở giáo dục không có học sinh nước ngoài học tập thì cũng sẽ không được tuyển học sinh Việt Nam vào học.
Đại diện Tiểu nhóm công tác nguồn nhân lực ông Colin Blackwell cho rằng, quy định về thời gian làm thêm tại Việt Nam là 200 giờ/năm, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan (1.872 giờ), Hàn Quốc (1.456 giờ), Malaysia (1.248 giờ), Singapore (864 giờ), Indonesia (728 giờ) và Lào (540 giờ). Để giúp giải quyết vấn đề này, ông Blackwell đề xuất kiến nghị từ Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam: tăng hạn mức thời gian làm thêm trong tất cả các ngành công nghiệp. Luật Lao động Nhật Bản cho rằng người lao động được phép làm thêm giờ khi cả người lao động và người sử dụng lao động đồng ý và thông báo cho cơ quan nhà nước.
Nhóm công tác công nghiệp ô tô, xe máy cho biết, ngành công nghiệp ô tô bao gồm cả xe lắp ráp/sản xuất nội địa (CKD) và xe nhập khẩu (CBU) đã phục hồi và vượt mốc kỷ lục 160.000 xe trong tháng 9-2015, dự kiến đạt trên 210.000 xe trong năm 2015. Tuy nhiên, sự phát triển của toàn ngành công nghiệp ô tô với hơn 20 công ty và 40 thương hiệu ở Việt Nam vẫn chưa đạt mức mong đợi của các nhà đầu tư và Chính phủ khi tham chiếu đến tổng công suất lắp ráp hiện tại là gần 500.000 chiếc/năm.
Nhóm này cho rằng, do những bất lợi của quy mô sản xuất và kinh tế nhỏ, giá thành sản xuất ô tô tại Việt Nam được ước tính sẽ cao hơn 20% so với những chiếc xe được nhập khẩu từ Thái Lan. Vì vậy, nhóm đề xuất một số biện pháp duy trì cạnh tranh về chi phí của xe CKD như: Loại bỏ thuế nhập khẩu cho những linh kiện và phụ tùng ô tô mà Việt Nam vẫn chưa sản xuất được; Áp dụng chính sách kiểm soát nghiêm ngặt và minh bạch trong việc nhập khẩu xe nguyên chiếc.
- Bên cạnh đó, nhóm đề xuất Việt Nam ưu đãi sản xuất tuân thủ theo quy định của WTO, ví dụ mức ưu đãi tương đương 10% giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) trong 10 năm kể từ 2018; xóa bỏ thuế TTĐB cho dòng xe chở người 16-24 chỗ và giữ nguyên mức thuế TTĐB hiện tại cho xe tải pickup.
- Theo TBKTSG
TIN TỨC LIÊN QUAN
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024
Tháng 8/2024 là tháng có hàng loạt chính sách mới quan trọng. Trong đó, chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2024 gồm các Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản; Luật các tổ chức tín dụng; nghị quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ; về phát triển và quản lý chợ, quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ , quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, …
Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng
Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam
Tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dự của cả nền kinh tế Việt Nam. Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng.
Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.