Chi tiết tin tức
Để phát triển logistics Việt Nam ngang tầm quốc tế
Trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến rất đáng kể, chỉ số hiệu quả logistics Việt Nam đứng thứ 39/160 quốc gia tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016, đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Không chỉ vậy, Việt Nam đang là quốc gia đứng Top đầu trong các thị trường mới nổi, với tốc độ tăng trưởng ngành đạt 14% – 16%.
Số lượng các doanh nghiệp có chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, đặc biệt là nhận thức và sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương về vai trò của ngành logistics đã có sự chuyển biến rõ rệt. Đây là kết quả sự nỗ lực của các doanh nghiệp dịch vụ logistics, sự quan tâm tạo điều kiện của Chính phủ thông qua việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế nói chung, lĩnh vực logistics nói riêng, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh.
Phân tích cụ thể hơn về quá trình phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, trong 10 năm từ 2010-2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng gần gấp 3 lần so với trước đây. Nếu như từ năm 2012 trở về trước, Việt Nam thường xuyên ở mức nhập siêu, thì từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đã dần cân bằng cán cân thương mại và bắt đầu có xuất siêu.
Đáng kể là, năm 2010, Việt Nam mới có 20 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đến năm 2020, con số này đã tăng lên 32 mặt hàng, thậm chí đã có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Quy mô thương mại của Việt Nam đang phát triển rất rộng, là kết quả rõ nét của tiến trình tham gia hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian qua. Cùng với quá trình hội nhập, có sự đồng hành và vai trò của ngành logistics trong hoạt động phát triển kinh tế, trong đó có cả hoạt động về xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trong nước và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
Có thể khẳng định, logistics đóng vai trò nền tảng để hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, thương mại của đất nước, không chỉ giúp đảm bảo cung cấp các nguồn nguyên vật liệu một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác cho các hoạt động sản xuất, mà quan trọng hơn, đây chính là cầu nối thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên quy mô cả nước cũng như từng địa phương.
Song, nhìn về tổng thể, logistics Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều điểm yếu như chi phí cao, thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu. Quy mô và tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt còn yếu, khiến việc tiến ra thị trường nước ngoài chưa đáng kể. Nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics còn thiếu cả về số lượng, chất lượng cũng như tính chuyên nghiệp.
Để đạt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt từ 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15-20%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%; chi phí logistics giảm xuống từ 16-20% so với GDP, đặc biệt xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics trên thế giới đạt thứ 50 trở lên… rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành địa phương, hiệp hội trong đó, vai trò của các doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thông tin thêm.
Đồng quan điểm, TS. Mai Xuân Thiệu, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (Valoma) cho rằng, ngành logistics Việt Nam đã thể hiện vai trò quan trọng trong công cuộc chống dịch Covid-19 thông qua đảm bảo hoạt động vận tải, giao nhận, kho bãi được thực hiện hiệu quả nhằm lưu thông hàng hóa thông suốt, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện chi phí logistics vẫn còn cao, tương đương với khoảng 15-19% GDP, điều đó cho thấy nâng cao năng lực của doanh nghiệp logistics và cắt giảm chi phí logistics là các yếu tố sống còn để cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và từng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực về logistics, bởi nhân lực cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững ngành logistics Việt Nam.
Đặt trong bối cảnh khoa học kỹ thuật đang phát triển mạnh mẽ, ngành logistics cần xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực logistics chất lượng cao có đầy đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng được yêu cầu công việc, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, cả trong môi trường làm việc quốc tế. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương thức quản lý và vận hành, sử dụng hệ thống phần mềm, nền tảng tối ưu hóa logistics nhằm cắt giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động liên doanh, liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics với nhau và với doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ logistics…
Nguồn: Hữu An (thoibaonganhang.vn)
TIN TỨC LIÊN QUAN
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024
Tháng 8/2024 là tháng có hàng loạt chính sách mới quan trọng. Trong đó, chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2024 gồm các Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản; Luật các tổ chức tín dụng; nghị quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ; về phát triển và quản lý chợ, quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ , quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, …
Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng
Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam
Tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dự của cả nền kinh tế Việt Nam. Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng.
Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.