Chi tiết tin tức
Đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới
Đây là chủ đề Hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Tạp chí Cộng sản tổ chức ngày 20/8, tại Hà Nội.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo dưới sự chủ trì của đồng chí Vũ Văn Ninh – Uỷ viên Trung ương Đảng – Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Vương Đình Huệ – Uỷ viên Trung ương Đảng – Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Cao Đức Phát – Uỷ viên Trung ương Đảng – Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đồng chí Nguyễn Xuân Cường – Uỷ viên Trung ương Đảng – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Vũ Văn Phúc – Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; cùng với sự tham dự của các đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, nhiều diễn giả và chuyên gia kinh tế.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Vương Đình Huệ cho biết, qua 30 năm đổi mới, tăng trưởng GDP của khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản bình quân đạt 3,7%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn những năm qua diễn ra còn chậm so với mục tiêu cũng như so với các nước đi trước ở cùng giai đoạn phát triển với nước ta. Chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao; năng suất lao động và thu nhập của người nông dân còn thấp. Tỷ trọng lao động trong nông nghiệp còn lớn, sự phát triển giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng còn thiếu liên kết và phối hợp… Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có đột phá về thể chế để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực phát triển theo cơ chế thị trường; chưa xác định rõ những ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên trong chính sách công nghiệp quốc gia cho từng giai đoạn.
Toàn cảnh Hội thảo
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, hiện Việt Nam có 70% dân số sinh sống khu vực nông thôn, gần 50% lao động hoạt động trong nông nghiệp, vì vậy phát triển nông nghiệp nông thôn mang ý nghĩa quan trọng. Nhất là trong bối cảnh hội nhập thì yêu cầu nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp là hết sức cấp bách. Để nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững cạnh tranh với nền sản xuất nông nghiệp thế giới từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần người dân, theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, cần phải thay đổi tư duy sản xuất từ sản xuất cái ta có sản xuất cái thị trường cần, sản xuất các mặt hàng có lợi thế theo từng vùng từng tỉnh từ đó xây dựng lợi thế quốc gia. Trong mô hình sản xuất cần phải liên kết tạo ra những sản phẩm mới chất lượng cao, năng suất cao, liên kết các doanh nghiệp gắn sản xuất tiêu thụ với chế biến.
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định, so với tiềm năng to lớn của nông nghiệp Việt Nam, công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp còn rất yếu kém. Ngoài phân đạm, đa số thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, máy móc cơ giới nông nghiệp… vẫn chủ yếu dựa vào nhập khẩu từ nước ngoài. Công nghiệp chế biến chưa phát triển hoàn chỉnh thành các cụm gắn với vùng nguyên liệu và có giá trị gia tăng thấp. Đi kèm với đó, những yếu kém của hệ thống kho tàng, bốc dỡ, vận chuyển, thanh toán… làm cho giá thành của sản xuất cao, hao hụt nhiều, giảm đáng kể khả năng cạnh tranh của nông sản.
Về chính sách tài chính đối với nông nghiệp, nông thôn, TS. Nguyễn Viết Lợi – Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) đề nghị: Tăng hợp lý tỷ trọng vốn đầu tư của ngân sách nhà nước và các nguồn vốn đầu tư công khác cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển dịch vụ khuyến nông, đào tạo phát triển sinh kế, nâng cao chất lượng sống của nhân dân và cộng đồng; khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế vào phát triển nông thôn; Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản theo hướng hiện đại, chế biến tinh, chế biến sâu; tiếp tục thực hiện ưu đãi ở mức cao về tài chính cho các dự án đầu tư vào các vùng đặc biệt khó khăn; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng thực hiện nông thôn mới, tiếp tục cải thiện chất lượng sống ở nông thôn. Ngoài ra, cần rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sản xuất nông nghiệp trên cơ sở phát huy tiềm năng và lợi thế của từng vùng với tầm nhìn dài hạn; từng bước hình thành mạng sản xuất và chuỗi cung ứng kết nối sản xuất, chế biến, phân phối và bán sản phẩm.
VCL&CSTC
TIN TỨC LIÊN QUAN
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024
Tháng 8/2024 là tháng có hàng loạt chính sách mới quan trọng. Trong đó, chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2024 gồm các Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản; Luật các tổ chức tín dụng; nghị quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ; về phát triển và quản lý chợ, quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ , quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, …
Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng
Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam
Tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dự của cả nền kinh tế Việt Nam. Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng.
Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.