Chi tiết tin tức
Chu kỳ tăng lãi suất sắp kết thúc
Thay đổi lập trường
Sau NHTW châu Âu (ECB), tuần qua thị trường tiếp tục chứng kiến việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), NHTW Anh (BOE) và và NHTW Na Uy đều tăng lãi suất 25 điểm cơ bản, thậm chí NHTW Thụy Sĩ (SNB) tăng lãi suất tới 50 điểm cơ bản. Tính chung đến nay, Fed đã tăng lãi suất 475 điểm cơ bản trong 9 cuộc họp liên tiếp, ECB cũng tăng lãi suất tới 350 điểm cơ bản sau 6 cuộc họp, BOE tăng 415 điểm cơ bản trong 11 phiên…
Tuy nhiên gần như tất cả các NHTW này đều phát đi tín hiệu sẽ thận trọng hơn với động thái tiếp theo của họ. Biểu đồ điểm (Dot Plot) về dự báo triển vọng lãi suất của các thành viên Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) mới nhất cho thấy, dự kiến mức đỉnh lãi suất của Fed vẫn là 5,1%, tương đương với phạm vi mục tiêu lãi suất là 5% – 5,25%. Điều đó có nghĩa Fed sẽ chỉ có thêm 1 lần tăng lãi suất nữa mà thôi.
Trong khi ECB không đưa ra cam kết nào về lãi suất trong tương lai, đồng thời biết họ đang theo dõi sát căng thẳng thị trường và sẽ phản ứng khi cần thiết để duy trì sự ổn định giá cả và ổn định tài chính trong khu vực đồng euro. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng phát biểu với báo giới rằng, không thể xác định lộ trình tương lai của lãi suất trong bối cảnh tình trạng không chắc chắn đang tăng cao bắt nguồn từ những bất ổn trên thị trường tài chính hiện nay.
Còn BoE cho biết, họ dự kiến lạm phát sẽ hạ nhiệt nhanh hơn dự đoán trước đây, đồng thời nhấn mạnh rằng sẽ giám sát chặt chẽ các tác động của thị trường đối với điều kiện tín dụng áp dụng cho các doanh nghiệp và hộ gia đình. Một tín hiệu cho thấy chu kỳ tăng lãi suất sẽ sớm dừng lại.
Đối với Fed, các thị trường nhận thấy xác suất 50% sẽ chỉ tăng thêm một lần nữa vào tháng 5. Tương tự BoE cũng được dự báo sẽ chỉ tăng lãi suất một lần nữa ở mức 25 điểm cơ bản vào tháng 5 hoặc tháng 6. Còn với ECB, các nhà đầu tư thấy cơ quan này sẽ chỉ tăng lãi suất tối đa thêm 50 điểm cơ bản, ít hơn một nửa so với những gì họ dự đoán trước đó hai tuần trước đó.
Giải mã nguyên nhân
Tuy nhiên những bất ổn trên thị trường tài chính hiện tại được cho là nguyên nhân chính khiến các NHTW phải xem xét lại chính sách tăng lãi suất quyết liệt của mình trong thời gian qua. Theo các chuyên gia, chính việc Fed tăng lãi suất nhanh chóng đã tạo ra nhiều áp lực lên bảng cân đối kế toán của Silicon Valley Bank, làm giảm niềm tin đối với các ngân hàng của Mỹ, cũng như gián tiếp gây nên khó khăn cho Credit Suisse buộc nhà băng này phải sáp nhập vào UBS.
Trong phát biểu với Reuters mới đây, Thống đốc NHTW Hà Lan Klaas Knot cũng cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần có cái nhìn sâu hơn về tác động của việc tăng nhanh lãi suất đối với các ngân hàng.
Bên cạnh đó, những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu có thể khiến chi phí huy động vốn của các ngân hàng tăng cao hơn, từ đó sẽ cản trở tăng trưởng tín dụng và điều đó sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và kéo giảm lạm phát.
Phát biểu tại buổi họp báo hôm 22/3, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng lưu ý rằng, những bất ổn trong hệ thống ngân hàng trong hai tuần qua có thể dẫn đến các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, từ đó sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh tế.
“Nền kinh tế Mỹ có thể thấy các tiêu chuẩn cho vay chặt chẽ hơn so với những gì có thể được giải thích bởi các nguyên tắc cơ bản của kinh tế vĩ mô. Nếu vậy, quan điểm của chúng tôi là nó thực sự có thể thay thế cho các đợt tăng lãi suất tiếp theo”, Michael Gapen tại Bank of America cho biết.
Tương tự, Thống đốc NHTW Hà Lan Klaas Knot cho biết, tình trạng hỗn loạn có thể dẫn đến việc thắt chặt thêm một số điều kiện tài chính không do chính sách tiền tệ kích hoạt, trong trường hợp đó có lẽ các NHTW sẽ phải hành động ít hơn.
Trong khi đó, lạm phát đang có dấu hiệu hạ nhiệt sau động thái tăng lãi suất quyết liệt của các NHTW thời gian qua. Trong khi đó, động thái này cũng khiến nhiều nền kinh tế lớn đối mặt với nguy cơ suy thoái. Điều đó cũng khiến các NHTW phải cân nhắc thận trọng hơn với các động thái chính sách tiếp theo.
Tất cả những điều đó cho thấy rằng, chu kỳ tăng lãi suất của các NHTW lớn gần như đã hoàn thành và những động thái tăng lãi suất sắp tới có thể là lần cuối cùng của họ./.
Nguồn: Hoàng Nguyên (thoibaonganhang.vn)
TIN TỨC LIÊN QUAN
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024
Tháng 8/2024 là tháng có hàng loạt chính sách mới quan trọng. Trong đó, chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2024 gồm các Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản; Luật các tổ chức tín dụng; nghị quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ; về phát triển và quản lý chợ, quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ , quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, …
Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng
Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam
Tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dự của cả nền kinh tế Việt Nam. Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng.
Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.