Chi tiết tin tức
Xúc tiến, quảng bá, kết nối Du lịch Huế – 2024
Chiều ngày 19/9, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Hiệp Hội
Du lịch Việt Nam tổ chức chương trình hội nghị “Xúc tiến, quảng bá, kết nối Du
lịch Huế – 2024” giữa các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Thừa Thiên Huế với
các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước. Đến dự hội nghị có ông Hà Văn Siêu, Phó
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phó
Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan. Về phía tỉnh
Thừa Thiên Huế có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh
Bình; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn; UVTV
Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định; lãnh đạo các sở, ban, ngành và 70
Công ty du lịch, Lữ hành trên cả nước và 60 Công ty Lữ hành trên địa bàn tỉnh
Thừa Thiên Huế.
Tại hội nghị
Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng cả về tự nhiên và nhân văn,
trong thời gian qua, Thừa Thiên Huế đang tập trung phát triển du lịch theo hướng
bền vững, trên cơ sở giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bảo vệ tốt
môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Những năm gần đây, ngành du lịch Thừa
Thiên Huế đã từng bước khắc phục khó khăn, vượt qua khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh
và thiên tai, đạt được những kết quả khả quan, tạo được sự chuyển biến tích cực
trên tất cả các mặt. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch
đã được đầu tư mạnh mẽ, việc khôi phục và nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa,
đặc biệt là khu vực Quần thể di tích Cố đô Huế đã đưa Huế thành điểm du lịch
văn hóa lớn nhất Việt Nam. Du lịch là một trong những ngành có tỷ trọng
đóng góp cho nền kinh tế tỉnh cao nhất và Du lịch tiếp tục là động lực phát triển
kinh tế của Thừa Thiên Huế.
Các đại biểu tham dự tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh
Bình đánh giá cao sự chủ động của Hiệp hội Du lịch đã tổ chức các hoạt động kết
nối các doanh nghiệp du lịch trong cả nước và trên địa bàn tỉnh, tạo tiền đề
cho việc hợp tác phát triển du lịch, đưa thêm nhiều nguồn khách đến Thừa Thiên
Huế. Phát triển du lịch đồng bộ, bền vững, đạt chất lượng cao và thực sự chuyên
nghiệp là mục tiêu mà ngành du lịch Thừa Thiên Huế hướng tới trong năm 2024 và
đặc biệt trong năm 2025 Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức năm Du lịch Quốc gia. Để
đạt được mục tiêu trên, bên cạnh việc tập trung kêu gọi các nhà đầu tư lớn, có
thương hiệu; du lịch Thừa Thiên Huế rất cần có sự chung tay, giúp sức của các địa
phương liên kết, các doanh nghiệp lữ hành trong cả nước.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, du lịch là ngành
kinh tế tổng hợp quan trọng, có tính liên vùng, liên ngành và xã hội hóa cao, bản
thân ngành du lịch của từng địa phương không thể hoạt động hoàn chỉnh nếu thiếu
sự hợp tác của những ngành và các địa phương khác và sự đồng hành của các doanh
nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh. Việc liên kết hợp tác theo nhiều hình thức
để phát triển du lịch sẽ cho phép khai thác, phát huy được nhiều lợi thế về tài
nguyên du lịch, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác của địa
phương, của các ngành và các doanh nghiệp cho phát triển du lịch.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình mong muốn được nghe những
trao đổi, thảo luận thẳng thắn của lãnh đạo các Tập đoàn, hiệp hội, doanh nghiệp
trong lĩnh vực du lịch cũng như lắng nghe ý kiến của Cục Du lịch Quốc gia Việt
Nam và các chuyên gia đầu ngành để Lãnh đạo tỉnh có thể đưa ra các giải pháp nhằm
tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo đột phá trong việc thu hút khách du lịch đến
Huế, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong thời gian tới như
kỳ vọng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội nghị
Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu, các doanh
nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh cần tập trung nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm
du lịch đặc sắc, gắn với thế mạnh về bản sắc văn hóa, di sản vật thể và phi vật
thể của địa phương để tạo tiền đề cho công tác xúc tiến quảng bá, liên kết phát
triển sản phẩm, chương trình du lịch. Định hướng cho các doanh nghiệp tăng cường
phối hợp xúc tiến quảng bá điểm đến, xây dựng thương hiệu du lịch – “Huế – kinh
đô văn hóa – di sản” thông qua việc quảng bá hình ảnh du lịch của Thừa Thiên Huế,
gắn với các địa phương di sản miền Trung. Nghiên cứu phát triển các loại hình sản
phẩm du lịch mới, như du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch thể thao, hội nghị…
Phục hồi và phát triển các đặc sản gắn với nghề truyền thống của địa phương.
Qua đó, phát triển đa dạng các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng
xanh như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, khám phá-trải nghiệm các giá
trị di sản tự nhiên và văn hóa, nghỉ dưỡng-chăm sóc sức khỏe, du lịch có trách
nhiệm, tạo cơ hội việc làm và chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Phát triển các sản
phẩm du lịch xanh, thân thiện với môi trường tự nhiên và xã hội, tăng cường hiệu
suất sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nâng cao chất lượng công tác xúc tiến quảng bá du lịch; tăng cường ứng dụng
công nghệ thông tin hiện đại vào hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch.
Hội nghị với sự tham dự của 70 Công ty du lịch, Lữ hành trên cả nước và 60
Công ty Lữ hành trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ các kinh nghiệm, các hình thức quảng
bá, tiếp cận và mở rộng thị trường khách du lịch trong và ngoài nước; nêu
lên những nội dung về xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với văn
hóa truyền thống Cố đô song song với việc nghiên cứu, làm mới, phát triển các sản
phẩm du lịch đã có để phục vụ cho nhu cầu đã có nhiều thay đổi của khách du lịch
cả trong nước và quốc tế. Chọn lựa các sản phẩm làm nên thương hiệu của Du lịch
Cố đô Huế.
Theo các đại biểu, Ngành Du lịch Thừa Thiên Huế cần tạo ra các
hoạt động Văn hóa – Lễ hội khác nhau của từng vùng, tổ chức vào các thời gian
khác nhau trong năm, để góp phần đưa Thừa Thiên Huế thành thành phố của Lễ hội
truyền thống Việt Nam. Để khách đến với Huế vào thời điểm nào trong năm cũng có
thể được thưởng thức các lễ hội, các hoạt động du lịch gắn với làng nghề, ẩm thực.
Tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0 trong xúc tiến quảng bá để đáp ứng nhu cầu
cao của những người có nhu cầu du lịch.
Xúc tiến quảng bá và kết nối du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc xây
dựng và củng cố thương hiệu du lịch của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Qua việc
định vị hình ảnh, truyền tải thông điệp rõ ràng, đồng bộ, nhất quán về giá trị
và đặc trưng của điểm đến, sản phẩm du lịch của địa phương sẽ góp phần không chỉ
xây dựng hình ảnh tích cực trong tâm trí du khách, thu hút khách mà còn thu hút
sự đầu tư, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường vị thế của ngành Du
lịch địa phương và của quốc gia. Góp phần đưa hình ảnh du lịch Huế ngày càng đậm
nét hơn trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế, đồng thời hướng đến sự phát
triển bền vững cũng như tăng cường sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch với
các địa phương, doanh nghiệp trong cả nước.
Giới thiệu các sản phẩm du lịch tại hội nghị
Nguồn:
thuathienhue.gov.vn
TIN TỨC LIÊN QUAN
Ra mắt thương hiệu xe minibus đầu tiên KIMLONG X9 tại Huế
Sáng 19/10, tại Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, Công ty cổ phần KIM LONG MOTOR HUẾ tổ chức ra mắt xe minibus thương hiệu KIMLONG X9. Tham dự có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; Tổng Giám đốc WWF-Việt Nam Văn Ngọc Thịnh; cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan và các đối tác của doanh nghiệp.
Đặc sắc chương trình nghệ thuật Áo dài – Festival Huế 2024 “Linh Phụng”
Tối 23/9, tại Nhà hát Sông Hương, số 1 Lê Lợi, Thành phố Huế đã diễn ra Chương trình nghệ thuật Áo dài – Festival Huế 2024 “Linh Phụng” trong khuôn khổ lễ hội mùa Thu. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; cùng đông đảo khán giả, du khách trong nước và quốc tế.
Động thổ xây dựng nhà máy sản xuất, chế tạo động cơ ô tô với mức đầu tư 260 triệu USD
Sáng ngày 23/8, tại Khu công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Kim Long Motor Huế thuộc Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, huyện Phú Lộc đã diễn ra lễ động thổ xây dựng nhà máy sản xuất, chế tạo động cơ ô tô. Dự buổi lễ có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng chí Lê Trường Lưu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương; đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương, đối tác quốc tế.
Tập trung các giải pháp phát triển KT- XH 6 tháng cuối năm
Sáng ngày 17/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày làm việc thứ hai, HĐND tỉnh thảo luận tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kì họp lần thứ 8, phiên chất vấn, trả lời chất vấn và bế mạc kì họp. Các đồng chí: Lê Trường Lưu – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Quang Tuấn – UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Ái Vân – TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.
Phát huy vai trò tiên phong để tăng tốc, bứt phá chuyển đổi số
Sáng ngày 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Lê Thành Long; các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, các thành viên Ủy ban Quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan tham dự hội nghị.