Chi tiết tin tức
Xử lý nợ xấu thêm tín hiệu tích cực
Hơn 50.000 tỷ đồng nợ xấu được các tổ chức, cá nhân trả nợ ngân hàng từ đầu năm đến nay mà không phải qua hình thức bán tài sản.
Theo thống kê của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 8/2016, các TCTD trên địa bàn đã thu hồi nợ xấu bằng tiền được 16.321 tỷ đồng (cả nước ước đạt hơn 50.000 tỷ đồng). Trong khi đó, con số này của hệ thống NH tại TP. Hồ Chí Minh cùng thời điểm này năm 2015 chỉ là 5.431 tỷ đồng và cùng kỳ năm 2014 là 3.541 tỷ đồng.
Ưu tiên hàng đầu tự thu hồi nợ
Thông thường, các NHTM cho vay bao giờ cũng ưu tiên thu hồi nợ bằng tiền, chỉ khi khoản cho vay biến thành nợ xấu khó đòi mới tính đến chuyện bán tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên thực tế thời gian qua, theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, trong tổng số nợ xấu của các NH thì chủ yếu nợ xấu NH khó thu hồi do DN gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa. Hoặc là, nhiều DN bị rủi ro khi giá cả hàng hóa mất giá, khi vay vốn NH sản xuất hàng hóa giá 10 đồng nhưng đến khi bán hàng chỉ còn một nửa, vì thế khả năng trả nợ kém, DN rơi vào nợ nần…
Nhưng tình thế trên dường như đang thay đổi theo hướng tích cực. “Trong quá trình xử lý nợ xấu, các NH đã thu hồi nợ bằng tiền đạt kết quả cao có nguyên do sức mua của nền kinh tế đang tăng lên. Nhiều DN phục hồi sản xuất, hàng hóa bán ra tăng trở lại, DN có tiền thanh toán công nợ cũ. Có những DN thua lỗ 2-3 năm trước, nay tiêu thụ được hàng hóa thì lấy lãi mới bù công nợ cũ”, ông Tùng nói.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Nikkei vừa công bố cho thấy, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam có sự cải thiện rõ nhất vào cuối quý III/2016. Với số lượng đơn đặt hàng mới các DN sản xuất Việt Nam, sản lượng và hoạt động mua hàng đều tăng nhanh. Theo đó, nâng chỉ số ngành sản xuất tăng từ 52,2 điểm của tháng 8/2016 lên 52,9 điểm trong tháng 9/2016.
Sức mua trên thị trường được giới phân tích nhận định giữ được xu hướng đi lên liên tục, khi 9 tháng đầu năm nay tổng mức bán lẻ cả nước tăng 9,5%. Trong đó, đóng góp chủ yếu đến từ doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ lữ hành, vật liệu xây dựng, nhà ở…
Riêng việc cải thiện sức mua tại thị trường BĐS có tác động rất đáng kể đến tình hình giải quyết nợ đọng của hệ thống NH. Điển hình như Công ty Phú Mỹ Hưng – một DN BĐS lớn tại TP. Hồ Chí Minh – mỗi đợt “ra hàng” đều chào bán số lượng căn hộ lớn, nhưng ra đến đâu bán hết đến đó. Nhiều dự án nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thậm chí chỉ vài ngày đã bán hết veo.
Có một thực tế là hơn 90% các khoản nợ xấu trong NH có tài sản thế chấp bằng BĐS. Trong hai năm qua khi thị trường BĐS sôi động trở lại, các chủ đầu tư bán được dự án, dòng tiền trở về có điều kiện tốt hơn để trả nợ vay. Việc thị trường BĐS phục hồi tiếp tục thúc đẩy sức mua trên thị trường vật liệu xây dựng… điều này quay trở lại giúp lưu thông thị trường hàng hóa, dịch vụ.
Bán nợ cho VAMC chững lại
Trong tổng số nợ xấu hơn 35.000 tỷ đồng của hệ thống NH ở TP. Hồ Chí Minh thì số nợ xấu đã thu hồi bằng tiền trong 9 tháng qua chiếm 47% tổng số tiền thu nợ và cao nhất so với cùng kỳ 3 năm gần đây. Theo đó, thay đổi đáng chú ý khác là các TCTD bán nợ xấu cho VAMC đang có xu hướng giảm.
Số liệu của NHNN Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay VAMC chỉ mua được 16.000 tỷ đồng nợ xấu của toàn hệ thống NH. Chỉ tính riêng tại TP. Hồ Chí Minh, tổng số nợ xấu của hệ thống NH trên địa bàn trong 8 tháng đầu năm 2016 đã bán cho VAMC là 9.634 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2015 là 21.385 tỷ đồng, cả năm 2014 là 23.573 tỷ đồng.
Đây là một tín hiệu rất tích cực trong hoạt động xử lý nợ xấu NH. Theo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 9 vừa qua mức độ ảnh hưởng “phức tạp” của nợ xấu đã được kiểm soát, các NH có nợ xấu cao đã hoạt động ổn định, giảm lỗ, từng bước tăng trưởng và có lợi nhuận.
Mặc dù xử lý nợ xấu trong đó có hoạt động thu hồi nợ bằng tiền được các NHTM thực hiện tốt trong 9 tháng đầu năm nay. Song theo giới NH ở TP. Hồ Chí Minh, nợ xấu liên quan đến tài sản đảm bảo còn đang chiếm tỷ lệ cao. Nhất là việc xử lý tài sản đảm bảo nợ vay qua đấu giá, phát mãi và thi hành án mất rất nhiều thời gian. Kết quả xử lý nợ xấu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào quá trình xử lý nợ xấu của VAMC…
Nguồn: Theo Đình Hải (Thời báo Ngân hàng)
TIN TỨC LIÊN QUAN
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024
Tháng 8/2024 là tháng có hàng loạt chính sách mới quan trọng. Trong đó, chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2024 gồm các Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản; Luật các tổ chức tín dụng; nghị quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ; về phát triển và quản lý chợ, quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ , quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, …
Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng
Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam
Tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dự của cả nền kinh tế Việt Nam. Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng.
Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.