Chi tiết tin tức
Xác lập danh mục mới ngành, nghề kinh doanh có điều kiện
Dự án Luật này được Chính phủ trình Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn để thông qua trong một kỳ họp theo quy định tại Điều 8 Luật Đầu tư. Trong các ngày 9/11 và 17/11, Quốc hội đã thảo luận ở tổ và hội trường về dự án Luật. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và nhất trí với nội dung cơ bản của dự án Luật do Chính phủ trình bày, đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến cho dự án Luật.
Dự án Luật được thông qua sáng nay còn được bổ sung thêm nội dung cho Điều 6 của Luật Đầu tư đối với việc cấm kinh doanh pháo nổ.
Theo giải trình của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên tắc chung khi bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Theo đó, để tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp thì ưu tiên xem xét đối với các ngành, nghề mà Chính phủ đề xuất bãi bỏ. Đối với những ngành, nghề hợp nhất hoặc sửa tên thì thống nhất theo hướng phải bảo đảm rõ ràng, minh bạch, kiểm soát chặt chẽ việc mở rộng thêm điều kiện kinh doanh. Đối với ngành, nghề bổ sung thì chỉ bổ sung khi đã có nghiên cứu kỹ lưỡng và có sự thống nhất của các cơ quan hữu quan.
Đáng chú ý, Quốc hội đồng ý giữ kinh doanh dịch vụ tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện dù có ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị bãi bỏ điều kiện kinh doanh với ngành này. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác tư vấn, giám sát thi công xây dựng công trình đóng vai trò rất quan trọng và cần thiết trong toàn bộ quá trình xây dựng công trình để bảo đảm công trình được thực hiện đúng tiến độ, chất lượng như trong hợp đồng và bản vẽ thiết kế giữa nhà thầu và chủ đầu tư. Công trình có an toàn hay không trong quá trình thi công, có bền vững trong suốt quá trình sử dụng hay không phụ thuộc rất nhiều vào công tác giám sát thi công, xây dựng công trình nên cần quy định ngành nghề này trong Danh mục.
Trong 9 ngành nghề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải thăm dò ý kiến của từng đại biểu Quốc hội bằng phiếu, có việc giữ hay không giữ ngành kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Qua tổng hợp phiếu, 290/439 đại biểu, chiếm 66,05% nhất trí giữ ngành, nghề này là phải có điều kiện khi nhận thấy ô tô là sản phẩm có khả năng gây mất an toàn cao. Vì vậy, dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cần phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt để đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bảo đảm an toàn giao thông, đồng thời cũng hạn chế tác động có hại từ các cơ sở cung cấp dịch vụ này tới môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Quốc hội (79,3% tổng số đại biểu Quốc hội đồng ý bằng phiếu thăm dò) cũng đồng tình bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014, đồng thời đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng.
Danh mục cụ thể về ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới, vừa được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 tới đây.
Riêng đối với kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; và sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, Quốc hội quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2017 và giao Chính phủ quy định việc áp dụng chuyển tiếp đối với tổ chức, cá nhân đang đầu tư kinh doanh các ngành, nghề này./.
TIN TỨC LIÊN QUAN
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024
Tháng 8/2024 là tháng có hàng loạt chính sách mới quan trọng. Trong đó, chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2024 gồm các Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản; Luật các tổ chức tín dụng; nghị quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ; về phát triển và quản lý chợ, quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ , quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, …
Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng
Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam
Tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dự của cả nền kinh tế Việt Nam. Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng.
Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.