Chi tiết tin tức
Thừa Thiên Huế: Đến năm 2020, du lịch – dịch vụ sẽ đóng góp trên 55% GRDP của tỉnh
Đó là mục tiêu của Kế hoạch số 127/KH-UBND về triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị gắn với Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 08/11/2016 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành ngày 29 tháng 5 năm 2017.
Kế hoạch trên cũng xác định rõ các chỉ tiêu chủ yếu đó là, đến năm 2020, Du lịch – dịch vụ sẽ đóng góp trên 55% GRDP của tỉnh. Thu hút trên 5 triệu lượt khách, trong đó, 3 – 3,5 triệu lượt khách lưu trú, tăng bình quân 12 – 15%/năm; khách quốc tế phấn đấu đạt 2,5 triệu lượt, tăng bình quân 13%/năm. Doanh thu du lịch đạt khoảng 6.000 tỷ đồng. Thời gian lưu trú bình quân đạt 2,1 ngày. Suất chi tiêu bình quân trên 1,5 triệu đồng/khách. Đến năm 2030, Du lịch – dịch vụ đóng góp trên 55% GRDP của tỉnh. Thu hút hơn 7 triệu lượt khách, trong đó, có 5 triệu lượt khách lưu trú; khách quốc tế đạt 3,5 triệu lượt. Doanh thu du lịch đạt khoảng 18.000 – 20.000 tỷ đồng. Thời gian lưu trú bình quân đạt 2,5 ngày.
Nhằm thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp như tập trung nâng cao hiệu quả các nhiệm vụ về đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phát triển du lịch; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá, du lịch và nâng cao cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; tập trung kêu gọi các Nhà đầu tư lớn, có thương hiệu tạo điểm nhấn và có sức ảnh hưởng đối với du lịch toàn tỉnh và tăng cường xã hội hóa các dự án đầu tư; đổi mới mạnh mẽ tư duy về phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường; tập trung xây dựng các chính sách đột phát trong phát triển du lịch, trong đó ưu tiên các chính sách kêu gọi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phát triển du lịch; nâng cao nhận thức của toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội về phát triển du lịch gồm cả lãnh đạo các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng bằng các việc làm, hành động cụ thể về vấn đề môi trường du lịch (thân thiện khách du lịch), quảng bá du lịch (mỗi người dân là sứ giả trong quảng bá du lịch)…, trước mắt là triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch để nâng cao nhận thức cho toàn xã hội.
Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chủ yếu và hình thành một số sản phẩm mang tính đặc trưng cũng là một trong những nhiệm vụ được tỉnh Thừa Thiên Huế coi trọng, theo đó, Thừa Thiên Huế sẽ huy động nhiều nguồn lực đầu tư khai thác các dịch vụ về đêm tại Đại Nội và khu vực phụ cận; tăng cường các loại hình dịch vụ trong khu vực Đại nội; triển khai dự án khai thác các giá trị Cung An Định phục vụ phát triển du lịch gắn bảo tồn; phát triển mạnh các dịch vụ du lịch trên sông Hương cũng như hai bờ sông Hương; xây dựng tuyến du lịch bằng đường thủy dọc theo sông Ngự Hà và Hộ thành hào, sông An Cựu; xây dựng tổ hợp trung tâm mua sắm giải trí và các khu phố đêm gắn với các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, trải nghiệm ẩm thực tại các đường Phạm Ngũ Lão -Võ Thị Sáu – Chu Văn An để làm cơ sở cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, bán hàng lưu niệm; hoàn thiện và nâng cao chất lượng và khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch truyền thống ở Huế như Nhã nhạc Cung đình Huế, Ca Huế, các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, ẩm thực, áo dài, xích lô và các trò chơi dân gian, nhất là các đặc trưng văn hóa dân tộc ít người mang đậm bản sắc riêng để phục vụ phát triển du lịch; xúc tiến đầu tư và xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh; khai thác loại hình du lịch nghỉ dưỡng, khám chữa bệnh tại các khu nước khoáng nóng Mỹ An và Thanh Tân, Thanh Phước (xã Hương Phong, Hương Trà); nghiên cứu xây dựng trung tâm hội nghị triển lãm lớn đủ tiêu chuẩn để tổ chức các sự kiện, hội họp, hội nghị quốc tế cho đối tượng khách du lịch MICE; tập trung thu hút các nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch cao cấp cùng các loại hình dịch vụ đẳng cấp cao ở vùng biển, đầm phá và đô thị đẳng cấp cao ở Bạch Mã, Chân Mây – Lăng Cô, với trọng tâm là Cảng du lịch quốc tế Chân Mây, các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp, những khu phố đêm sôi động, tạo nên sự đối đẳng và bổ sung cho thành phố di sản Huế nhằm thu hút du khách quốc tế; xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển du lịch dựa vào cộng đồng để thúc đẩy các điểm có điều kiện phát triển tốt du lịch cộng đồng; tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn, nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội truyền thống đặc trưng nhằm làm phong phú sản phẩm du lịch…
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẽ tập trung vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất thiết yếu phát triển du lịch. Theo đó, sẽ huy động các nguồn lực và tập trung kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các Dự án: Nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, nâng cao tần suất và mở thêm các đường bay Huế – Cần Thơ – Phú Quốc và đường bay quốc tế nối Huế với các cố đô trong vùng: Huế – Luangprabang (Lào) – Bangkok, Ayutthaya (Thái Lan) – Bagan (Myanmar), Singapore, Nhật Bản… Xây dựng Cảng Chân Mây là cảng biển du lịch quốc tế. Đẩy nhanh hoàn thiện tuyến đường Tự Đức – Thuận An (đoạn từ Tỉnh lộ 10 đến Thuận An) để kết nối giao thông thành phố Huế và biển Thuận An, Vinh Thanh, Vinh Xuân và một số bãi biển khác lân cận để gắn du lịch di sản với du lịch biển. Tập trung đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng và kêu gọi các nhà đầu tư cơ sở vật chất tại các điểm dừng, nghỉ cho các tuyến du lịch phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên đầu tư hạ tầng kết nối đồng bộ thành phố Huế đến các vùng trọng điểm du lịch quốc gia (Cảnh Dương – Lăng Cô), điểm du lịch quốc gia (Bạch Mã), các di tích, đến vùng biển, đầm phá và vùng phía Tây Thừa Thiên Huế, bảo đảm giao thông thuận lợi, gắn với phát triển đa dạng các loại hình du lịch theo hướng du lịch bền vững. Nâng cấp và xây dựng mới các bến thuyền trên sông Hương; đầu tư các bến thuyền du lịch vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai để khai thác phát triển du lịch. Chỉnh trang không gian du lịch tại thành phố Huế. Tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư có thương hiệu đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, khách sạn, giải trí, đặc biệt đầu tư xây dựng một trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế có quy mô lớn và có khả năng phục vụ các hội nghị tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Xây dựng cơ chế, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào dịch vụ vận tải; lĩnh vực giải trí mới, cao cấp như casino, du thuyền, thể thao dù lượn, kinh khí cầu, thủy phi cơ, tàu cánh ngầm; các khu mua sắm cao cấp; sân golf…
Ngoài ra, một số nhiệm vụ khác cũng được chú trọng thực hiện đó là nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Tăng cường chương trình kích cầu du lịch trong năm để thu hút khách du lịch và giới thiệu quảng bá điểm đến cho du lịch Thừa Thiên Huế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Hoàn thiện môi trường du lịch và cải cách, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch, dịch vụ…
Nguồn: www.thuathienhue.gov.vn
TIN TỨC LIÊN QUAN
Ra mắt thương hiệu xe minibus đầu tiên KIMLONG X9 tại Huế
Sáng 19/10, tại Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, Công ty cổ phần KIM LONG MOTOR HUẾ tổ chức ra mắt xe minibus thương hiệu KIMLONG X9. Tham dự có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; Tổng Giám đốc WWF-Việt Nam Văn Ngọc Thịnh; cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan và các đối tác của doanh nghiệp.
Đặc sắc chương trình nghệ thuật Áo dài – Festival Huế 2024 “Linh Phụng”
Tối 23/9, tại Nhà hát Sông Hương, số 1 Lê Lợi, Thành phố Huế đã diễn ra Chương trình nghệ thuật Áo dài – Festival Huế 2024 “Linh Phụng” trong khuôn khổ lễ hội mùa Thu. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; cùng đông đảo khán giả, du khách trong nước và quốc tế.
Xúc tiến, quảng bá, kết nối Du lịch Huế – 2024
Chiều ngày 19/9, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Hiệp Hội Du lịch Việt Nam tổ chức chương trình hội nghị “Xúc tiến, quảng bá, kết nối Du lịch Huế – 2024” giữa các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Thừa Thiên Huế với các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước. Đến dự hội nghị có ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn; UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định; lãnh đạo các sở, ban, ngành và 70 Công ty du lịch, Lữ hành trên cả nước và 60 Công ty Lữ hành trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Động thổ xây dựng nhà máy sản xuất, chế tạo động cơ ô tô với mức đầu tư 260 triệu USD
Sáng ngày 23/8, tại Khu công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Kim Long Motor Huế thuộc Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, huyện Phú Lộc đã diễn ra lễ động thổ xây dựng nhà máy sản xuất, chế tạo động cơ ô tô. Dự buổi lễ có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng chí Lê Trường Lưu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương; đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương, đối tác quốc tế.
Tập trung các giải pháp phát triển KT- XH 6 tháng cuối năm
Sáng ngày 17/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày làm việc thứ hai, HĐND tỉnh thảo luận tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kì họp lần thứ 8, phiên chất vấn, trả lời chất vấn và bế mạc kì họp. Các đồng chí: Lê Trường Lưu – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Quang Tuấn – UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Ái Vân – TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.