Chi tiết tin tức
Thêm ưu đãi về giá thuê đất để thu hút đầu tư
(TBTCVN) – Các khu kinh tế, khu công nghệ cao vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như: Thu hút vốn đầu tư đạt tỷ lệ thấp, tỷ lệ lấp đầy chưa cao, còn tình trạng nhiều dự án chậm triển khai dẫn đến lãng phí đất đai…
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước trong khu kinh tế, khu công nghệ cao nhằm tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính đất đai tại các khu vực này.
Quy định hiện hành Chưa khuyến khích được đầu tư
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, hiện nước ta có 26/31 khu kinh tế cửa khẩu theo quy hoạch, 16/18 khu kinh tế ven biển (2 khu kinh tế chưa thành lập là khu kinh tế ven biển Thái Bình, Nam Định), 3 khu công nghệ cao và một số khu nông nghiệp công nghệ cao đã được thành lập và đang hoạt động.
Chính sách tài chính về đất đai (thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) hiện hành đang thực hiện theo Nghị định số 45/2014/NĐ-CP và Nghị định số 46/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Các quy định này áp dụng chung để xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất cả trong và ngoài các khu này mà chưa tính đến các yếu tố đặc thù. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật về đầu tư, khu kinh tế, khu công nghệ cao được xác định hưởng mức ưu đãi đầu tư như địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, nghĩa là các dự án đầu tư vào các khu này phải được hưởng mức ưu đãi cao hơn dự án đầu tư ở bên ngoài.
Thực tế thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư tại các khu này đã phát sinh một số bất cập như: Các địa phương lúng túng trong việc áp dụng ưu đãi khi xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, do chưa phân biệt rõ mức ưu đãi về tiền thuê đất giữa khu kinh tế và khu công nghệ cao (về nguyên tắc, ưu đãi đối với khu công nghệ cao phải cao hơn so với dự án đầu tư vào khu kinh tế); chưa khuyến khích nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư vào các khu kinh tế ở các địa bàn thực sự khó khăn…
Ưu đãi nhiều hơn cho khu công nghệ cao
Bộ Tài chính cho biết, tại Nghị định số 118/2015/NĐ- CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư đã quy định khu kinh tế, khu công nghệ cao được ưu đãi tương tự địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Theo đó, mức tỷ lệ % tính đơn giá thuê đất trong các khu này chỉ cần không thấp hơn 0,5% tại các quy định hiện hành là phù hợp. Tuy nhiên, nếu áp dụng mức tỷ lệ % tính đơn giá quá thấp sẽ phát sinh bất cập là tiền thuê đất thu được sẽ thấp hơn chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Điều này tạo áp lực lớn lên chi NSNN.
Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định khung tỷ lệ % tính đơn giá thuê đất từ 0,5% đến 3%. Đồng thời, giao UBND cấp tỉnh quy định cụ thể mức tỷ lệ % tính đơn giá thuê đất cho từng vị trí, từng khu vực, tuyến đường trong khu kinh tế, khu công nghệ cao đã được phê duyệt và công bố tương ứng với từng mục đích sử dụng đất. Quy định này phải được công bố công khai trong quá trình triển khai thực hiện.
Đồng thời, để cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thu hút đầu tư, dự thảo quy định thống nhất giá đất cụ thể để tính thu tiền thuê đất trong các khu kinh tế này (không thông qua hình thức đấu giá) được xác định theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất. Theo Bộ Tài chính, qua khảo sát, thực tế, đối với đặc thù của khu kinh tế, khu công nghệ cao, việc mở rộng phạm vi áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất trong xác định tiền thuê đất sẽ đẩy mạnh, tăng cường thu hút đầu tư vào các khu này.
Về ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất, để tránh cơ chế xin – cho, cạnh tranh không bình đẳng giữa các khu và tăng cường thu hút đầu tư, sớm lấp đầy khu kinh tế, trên cơ sở ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, dự kiến quy định mức ưu đãi cụ thể giữa khu kinh tế và khu công nghệ cao theo hướng tách biệt và dự án đầu tư vào khu công nghệ cao được hưởng mức ưu đãi cao hơn so với khu kinh tế.
Đồng thời, quy định mức ưu đãi miễn tiền thuê đất đối với dự án đầu tư vào khi kinh tế đặt ở địa bàn thực sự khó khăn cao hơn so với đầu tư vào khu kinh tế đặt ở địa bàn thuận lợi hơn (từ 2 đến 4 năm tùy theo lĩnh vực và địa bàn khu kinh tế). Quy định mức ưu đãi miễn tiền thuê đất đối với dự án đầu tư vào khu công nghệ cao cao hơn mức quy định đối với khu kinh tế (4 năm)./.
Tại dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án quy định về miễn tiền thuê đất trong các khu này:
– Phương án 1: Quy định cụ thể các mức miễn, giảm tiền thuê đất.
– Phương án 2: Quy định “khung” miễn, giảm tiền thuê đất và giao UBND cấp tỉnh quy định cụ thể.
Qua tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, đa số thống nhất lựa chọn phương án 1 theo như mức đề xuất của Bộ Tài chính với lý do để tránh cơ chế xin cho và cạnh tranh không bình đẳng giữa các khu. Một số ý kiến lựa chọn phương án 2 nhưng đề nghị không quy định “khung” mà lựa chọn mức tối đa hoặc mức tối thiểu theo như mức đề xuất của Bộ Tài chính. Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định cụ thể mức ưu đãi tiền thuê đất trong các khu kinh tế, khu công nghệ cao theo phương án 1.
Nguồn: Theo Vân Hà
TIN TỨC LIÊN QUAN
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024
Tháng 8/2024 là tháng có hàng loạt chính sách mới quan trọng. Trong đó, chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2024 gồm các Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản; Luật các tổ chức tín dụng; nghị quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ; về phát triển và quản lý chợ, quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ , quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, …
Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng
Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam
Tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dự của cả nền kinh tế Việt Nam. Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng.
Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.