Chi tiết tin tức
Tạo “vốn mồi” cho khởi nghiệp
Chấp nhận rủi ro cho lợi ích tương lai
Bà Thạch Lê Anh, Giám đốc đề án VietNam Silicon Valley (VSV), Bộ KH&CN (người trực tiếp điều hành các hoạt động của VSV với nhiều thành tựu nổi bật như đã đầu tư cho hơn 30 dự án khởi nghiệp, trong đó, một số nhóm chỉ sau 4 tháng đã được định giá hàng triệu USD, tăng gấp 8 lần và nhận được đầu tư từ các quỹ quốc tế) cho biết, VSV hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững bao gồm: doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tổ chức thúc đẩy doanh nghiệp và Quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong đó, Quỹ đầu tư mạo hiểm là yếu tố then chốt quyết định sự sống còn của hệ sinh thái khởi nghiệp.
Theo bà Anh, để giúp các dự án khởi nghiệp Việt huy động được nguồn vốn phát triển, Chính phủ không chỉ tạo ra hành lang pháp lý, mà phải tạo ra “vốn mồi” ban đầu cho doanh nghiệp, bởi nếu các cơ quan Nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp thì các tổ chức tài chính có thêm niềm tin đầu tư vào các dự án.
Giám đốc VSV cho rằng, Chính phủ khi hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, cần phải chấp nhận tâm lý, có những doanh nghiệp khởi nghiệp được hỗ trợ đầu tư vẫn thất bại. Tuy nhiên, xét trên tổng thể, giá trị thu được khi cộng đồng khởi nghiệp Việt phát triển sẽ lớn hơn nhiều.
Bà Anh lấy ví dụ, nước Mỹ đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp năm 2015 khoảng 60 tỷ USD, bằng 0,03% GDP, tuy nhiên, giá trị mà các dự án mang lại chiếm 23% GDP của toàn nước Mỹ.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng Đại học Tài chính Marketing cho rằng, để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, Nhà nước cần có chính sách bảo lãnh vốn để các ngân hàng thương mại hỗ trợ vốn cho các dự án phát triển, qua đó, giúp tăng nguồn thu cho ngân sách trong tương lai.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần hình thành các trung tâm hỗ trợ xúc tiến đầu tư, hỗ trợ quản lý, bảo lãnh cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Sau đó, khi các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu trên thị trường vốn sẽ tăng uy tín, huy động được nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức tài chính.
Kinh nghiệm huy động vốn cho khởi nghiệp từ các nước
Kinh nghiệm một số nước, vùng lãnh thổ khu vực Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Đài Loan đã phát triển sàn giao dịch chứng khoán dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, giúp các doanh nghiệp huy động vốn trực tiếp từ xã hội.
Ông Noh Tae Hyun, Trưởng Ban thị trường Sàn KONEX, Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc cho biết, trong 20 năm qua, Chính phủ Hàn Quốc thúc đẩy xúc tiến môi trường năng động cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, xây dựng cơ chế khuyến khích về thuế… Tuy nhiên, giai đoạn đầu tiên không đạt được hiệu quả, do có quá nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, trong khi các Quỹ đầu tư mạo hiểm thì có hạn và chọn lựa các dự án rất kỹ.
Ông Noh Tae Hyun cho biết, những năm gần đây, Chính phủ Hàn Quốc đã thay đổi chính sách vốn mạo hiểm theo hướng quản lý chặt chẽ và minh bạch để có môi trường bền vững. Hiện nay, Hàn Quốc đang hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ huy động vốn thông qua sàn KONEX, cũng như Chính phủ sẽ đầu tư vào các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân để thông qua đó hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, bên cạnh việc ban hành các chính sách và “bơm vốn mồi” cho các dự án khởi nghiệp thì việc hình thành một sàn giao dịch nhằm giúp các doanh nghiệp thu hút được nguồn vốn đầu tư cũng là một giải pháp cần xem xét và hướng tới.
Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp cho rằng, đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, bài toán về vốn luôn là vấn đề quan trọng được các doanh nghiệp quan tâm, nhất là trong giai đoạn hoàn thiện sản phẩm.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt cần quan tâm nhiều hơn đến nền tảng thị trường và hành vi thị trường mà các sản phẩm đang hướng đến. Theo bà Phi, doanh nghiệp chưa trả lời được bài toán thị trường trong khi huy động vốn sẽ gặp nhiều khó khăn bởi các nhà đầu tư, Quỹ mạo hiểm luôn có sự lựa chọn gắt gao, tìm kiếm những doanh nghiệp nào có tiềm năng phát triển và các sản phẩm của doanh nghiệp phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, trong tháng 5/2016, Quỹ đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo của TP.HCM đã được thành lập với tổng số vốn ban đầu là 30 tỷ đồng, sẽ phấn đấu quỹ có số vốn 100 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020. Các khoản đầu tư của quỹ này đóng vai trò như vốn mồi, để giúp doanh nghiệp khởi nghiệp, dễ dàng thu hút các khoản đầu tư từ các quỹ khác lớn hơn./.
TIN TỨC LIÊN QUAN
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024
Tháng 8/2024 là tháng có hàng loạt chính sách mới quan trọng. Trong đó, chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2024 gồm các Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản; Luật các tổ chức tín dụng; nghị quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ; về phát triển và quản lý chợ, quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ , quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, …
Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng
Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam
Tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dự của cả nền kinh tế Việt Nam. Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng.
Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.