Chi tiết tin tức
Phong Điền đầu tư phát triển làng nghề
Sống với nghề
Điêu khắc Mỹ Xuyên ở xã Phong Hòa được xem là một trong những nghề “hot” hiện nay khi thu nhập của người lao động khá cao. Theo nghệ nhân Ngô Đức Phi, hiện làng nghề có 700 hộ, trung bình mỗi hộ đều có từ 1-2 người gắn bó với nghề mộc và điêu khắc gỗ; trong đó, có trên 200 người tham gia sản xuất tại 20 cơ sở với mức lương từ 5-15 triệu đồng/người/tháng. “Không có điều kiện học chữ, em theo học nghề mộc và gắn bó với nghề gần chục năm nay. Hiện, thu nhập mỗi tháng trên 10 triệu đồng. Nghề mộc vững, giờ em đang theo học nghề điêu khắc, chạm trổ để có cơ hội mở cơ sở riêng”, Ngô Đức Nghĩa chia sẻ.
Làng nghề Mỹ Xuyên không chỉ sản xuất mộc dân dụng mà còn sản xuất nhà rường trị giá vài tỷ đồng/nhà
Ngoài các đơn hàng là sản phẩm mộc dân dụng trang trí nội ngoại thất, các DN và cơ sở sản xuất ở làng nghề Mỹ Xuyên còn thi công nhà rường, bàn ghế, tủ giường phục vụ khách và tạo nguồn thu ổn định cho công nhân. “Mỗi năm, DN nhận đơn hàng thi công 3-4 nhà rường, sản xuất khoảng 20 bộ bàn ghế và sản phẩm điêu khắc trang trí nội thất trị giá trên 5 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động. Nghề mộc và điêu khắc được xem là nghề chính và tạo công ăn việc làm không chỉ với người dân Mỹ Xuyên mà khắp nơi trên địa bàn huyện”, ông Lê Văn Trực, Giám đốc DNTN Thường Trực thông tin.
Chằm nón Phong Sơn là một trong những nghề truyền thống gắn bó với người dân, tạo việc làm thường xuyên cho 200 lao động, chủ yếu tập trung tại hai thôn Sơn Quả và Thanh Tân. Hiện, mỗi tháng làng nghề cung ứng ra thị trường trên 10 ngàn chiếc nón lá, phục vụ nhu cầu của khách hàng tại các chợ trên địa bàn huyện và TP .Huế. “Chị làm nghề hơn 50 năm, các con lớn lên cũng học nghề và tranh thủ chằm nón vào mỗi kỳ nghỉ hè và buổi tối để kiếm thêm thu nhập. Nghề chằm nón dễ làm, dễ học và chủ động thời gian nên dường như gia đình nào cũng có từ 1-2 người làm”, chị Nguyễn Thị Thu ở thôn Thanh Tân nói.
Đầu ra còn bấp bênh
Là nghề cha truyền con nối với nguồn nguyên liệu dồi dào, song người dân làng nghề đệm bàng Phò Trạch đang gặp khó do các sản phẩm làm từ sợi cỏ bàng như đệm, hàng thủ công mỹ nghệ, lưu niệm, túi xách, mũ…chưa có chỗ đứng trên thị trường. Qua khảo sát, hiện làng nghề thu hút gần 150 lao động tham gia sản xuất và thiết kế mẫu, mức thu nhập bình quân chỉ đạt 600.000đ/người/tháng.
Chủ cơ sở Cỏ bàng NX- Nguyễn Viết Nam lý giải: “Mặc dù cơ sở đã nghiên cứu thiết kế nhiều mẫu mã mới, liên kết với các DN, cơ sở sản xuất rượu, gốm, hàng lưu niệm để cung ứng các loại túi xách đựng sản phẩm, song thị trường tiêu thụ vẫn gặp khó; số lượng sản phẩm bán ra nhỏ giọt nên chưa tạo động lực cho người dân làng nghề. Mặt khác, hiện sản phẩm đệm bàng chưa có khu trưng bày để quảng bá và giới thiệu với du khách, chưa có nơi thao diễn nghề phục vụ nhu cầu tham quan nên phát triển làng nghề đang là bài toán khó”.
Cùng quan điểm với ông Nam, chủ xưởng gốm Phước Tích- Lương Thanh Hiền cho rằng: “Nghề gốm mới dừng ở mức khôi phục, còn vấn đề phát triển đang gặp khó khăn do nguồn nguyên liệu tại địa phương không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, lực lượng lao động ít và sản phẩm khó cạnh tranh. Hiện, thỉnh thoảng vẫn có các đoàn khách du lịch ghé xưởng gốm tham quan, xem thao diễn nghề và mua sản phẩm, song do chưa có kinh phí đầu tư, nâng cấp xưởng nên địa điểm trưng bày còn nhếch nhác và không phù hợp”.
Làng gốm Phước Tích là điểm đến của những du khách thích trải nghiệm văn hóa cộng đồng
Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền – ông Nguyễn Văn Cho nhấn mạnh: “Hiện, UBND huyện đang đầu tư xây dựng các điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm làng nghề nhằm phát triển nghề truyền thống kết hợp tham quan du lịch; trước mắt sẽ đầu tư tại 3 trung tâm: Phong Sơn, thị trấn Phong Điền và Phong Hiền. Mặt khác, sẽ đẩy mạnh phát triển ngành nghề TTCN ở các vùng, phấn đấu mỗi làng có một nghề, một sản phẩm đặc trưng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường; tiếp tục khôi phục và phát triển các làng nghề gắn với phát triển du lịch trên cơ sở nâng cấp cơ sở hạ tầng vừa phục vụ sản xuất, vừa quảng diễn nghề trong các dịp lễ hội.”
Thanh Hương
Báo Thừa Thiên Huế Online
TIN TỨC LIÊN QUAN
Ra mắt thương hiệu xe minibus đầu tiên KIMLONG X9 tại Huế
Sáng 19/10, tại Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, Công ty cổ phần KIM LONG MOTOR HUẾ tổ chức ra mắt xe minibus thương hiệu KIMLONG X9. Tham dự có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; Tổng Giám đốc WWF-Việt Nam Văn Ngọc Thịnh; cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan và các đối tác của doanh nghiệp.
Đặc sắc chương trình nghệ thuật Áo dài – Festival Huế 2024 “Linh Phụng”
Tối 23/9, tại Nhà hát Sông Hương, số 1 Lê Lợi, Thành phố Huế đã diễn ra Chương trình nghệ thuật Áo dài – Festival Huế 2024 “Linh Phụng” trong khuôn khổ lễ hội mùa Thu. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; cùng đông đảo khán giả, du khách trong nước và quốc tế.
Xúc tiến, quảng bá, kết nối Du lịch Huế – 2024
Chiều ngày 19/9, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Hiệp Hội Du lịch Việt Nam tổ chức chương trình hội nghị “Xúc tiến, quảng bá, kết nối Du lịch Huế – 2024” giữa các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Thừa Thiên Huế với các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước. Đến dự hội nghị có ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn; UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định; lãnh đạo các sở, ban, ngành và 70 Công ty du lịch, Lữ hành trên cả nước và 60 Công ty Lữ hành trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Động thổ xây dựng nhà máy sản xuất, chế tạo động cơ ô tô với mức đầu tư 260 triệu USD
Sáng ngày 23/8, tại Khu công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Kim Long Motor Huế thuộc Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, huyện Phú Lộc đã diễn ra lễ động thổ xây dựng nhà máy sản xuất, chế tạo động cơ ô tô. Dự buổi lễ có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng chí Lê Trường Lưu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương; đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương, đối tác quốc tế.
Tập trung các giải pháp phát triển KT- XH 6 tháng cuối năm
Sáng ngày 17/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày làm việc thứ hai, HĐND tỉnh thảo luận tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kì họp lần thứ 8, phiên chất vấn, trả lời chất vấn và bế mạc kì họp. Các đồng chí: Lê Trường Lưu – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Quang Tuấn – UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Ái Vân – TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.