Chi tiết tin tức
Ngành chăn nuôi: Cần điều chỉnh cho phù hợp thị trường
Giá heo hơi tại các trang trại ở khu vực phía Nam lên mức 92.000-95.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay. Theo ghi nhận của phóng viên bản báo, hiện giá thịt heo đã tăng 15.000-25.000 đồng/kg tùy loại so với đầu tháng 12. Tại một số siêu thị ở TP.HCM, giá thịt heo hiện ở mức cao. Nạc dăm heo giá 185.000 đồng/kg, thịt đùi heo giá 150.000 đồng/kg, sườn già heo 160.000 đồng/kg. Giá sườn non loại 1 là 280.000 đồng/kg, ba chỉ 250.000 đồng/kg, xương ống 125.000 đồng/kg… Giá heo hơi tăng nhanh không chỉ khiến người tiêu dùng phải mua thịt thành phẩm giá cao mà còn khiến các tiểu thương kinh doanh thịt heo gặp nhiều khó khăn do sức mua giảm, người tiêu dùng chuyển sang các loại thực phẩm khác.
Đại diện của một số công ty chăn nuôi lớn như CP, Emivest, CJ cho biết, nguồn cung cấp heo hơi từ các doanh nghiệp này ra thị trường vẫn ổn định chứ không giảm. Do đó, heo tăng giá chủ yếu do tổng đàn trong các hộ nuôi trang trại hay nhỏ lẻ đã giảm rất mạnh. Điều đáng nói, do giá thịt heo tăng nhanh và mạnh, nhiều chủ trại, hộ chăn nuôi đang tìm cách “găm hàng”. Đồng thời, nâng sản lượng thịt heo lên cao bằng cách tăng trọng cho heo từ 120-130kg/con, thậm chí 140kg/con mới xuất chuồng. Vì vậy, dự báo giá thịt heo từ nay đến cuối năm sẽ còn tăng nữa và nhiều khả năng có thể vượt mốc 100.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, giá heo hơi và thịt heo bán lẻ thời gian gần đây bị đẩy lên cao gây tâm lý bất an cho người tiêu dùng. Đây là hệ lụy tất yếu của nạn dịch tả heo châu Phi lan tràn trên toàn quốc trong thời gian qua làm giảm tổng đàn heo. Tại Việt Nam, 70% lượng thịt tiêu thụ là thịt heo thì điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung, nhất là trong những dịp cao điểm như tết Nguyên đán. Tuy nhiên, để đối phó với tình hình khan hiếm thịt heo và giá cả tăng cao như hiện nay, người tiêu dùng trong nước đang có xu hướng chuyển sang sử dụng một số loại thực phẩm thay thế khác như thịt bò, dê, gà, vịt, cá, trứng…
Trong một diễn biến khác, mới đây Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất giảm mức thuế nhập khẩu một số mặt hàng thịt gà và phụ phẩm sau giết mổ, đông lạnh, thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh… Theo đó, mặt hàng thịt gà được Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thuế nhập khẩu các mặt hàng thịt gà đã chặt mảnh và phụ phẩm sau giết mổ, đông lạnh từ 20% xuống 18% (Mỹ đề nghị 14,5%). Trong khi đó, thuế suất mặt hàng thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng từ 25% xuống 22%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong các nhóm hàng nông nghiệp, thịt gà là nhóm Việt Nam thực hiện bảo hộ cao, trong các hiệp định thuế quan hoặc trong quá trình đàm phán, không cam kết cắt giảm hoặc nếu buộc phải cắt giảm sẽ vào giai đoạn cuối cùng khi thực hiện cam kết. Với mức thuế nhập khẩu 20% như hiện nay, giá gà nhập khẩu vẫn thấp hơn so với giá thành người dân sản xuất trong nước.
Một số chuyên gia cho rằng, với mức thuế nhập khẩu mặt hàng heo, gà giảm, người tiêu dùng được hưởng lợi từ việc giảm giá sản phẩm, khiến cho sinh hoạt phí hàng ngày từ việc mua nhu yếu phẩm giảm theo. Điều này cũng giúp cho người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn thay vì chỉ có sản phẩm do DN và thương lái trong nước cung cấp với giá cao như hiện nay. Còn dưới góc độ kinh tế, trong trường hợp thiếu thịt lợn, DN và các hộ sản xuất, chăn nuôi trong nước chưa kịp mở rộng quy mô tái đàn và bù đắp bằng gia tăng sản lượng thì việc “mở cửa” cho heo, bò, dê, gà… nhập khẩu theo đúng các cam kết trong hội nhập là điều tất yếu.
Lúc này thị trường trở nên đa dạng, nhiều sự lựa chọn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần điều chỉnh giá cả phù hợp hơn, người dùng hưởng lợi với mức giá rẻ hơn, hàng hóa phong phú, chất lượng được nâng cao. Tuy nhiên đối với người sản xuất, chăn nuôi, phân phối sản phẩm trong nước cần kịp thời có sự tính toán, điều chỉnh sao cho phù hợp trước những biến động của thị trường trong bối cảnh hội nhập ngày càng cao như hiện nay./.
Nguồn: Phương Nam (thoibaonganhang.vn)
TIN TỨC LIÊN QUAN
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024
Tháng 8/2024 là tháng có hàng loạt chính sách mới quan trọng. Trong đó, chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2024 gồm các Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản; Luật các tổ chức tín dụng; nghị quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ; về phát triển và quản lý chợ, quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ , quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, …
Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng
Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam
Tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dự của cả nền kinh tế Việt Nam. Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng.
Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.