Chi tiết tin tức
Mở rộng kênh thông tin tín dụng
Khách hàng cá nhân có thể đến trực tiếp trụ sở của CIC để đăng ký thông tin về bản thân, cũng như đăng ký nhu cầu tín dụng, qua đó kết nối giữa NH và khách hàng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng.
Hoạt động thu thập, xử lý các thông tin tín dụng của khách hàng đang đi theo chiều hướng tiếp cận đa chiều.
Những năm gần đây, hoạt động tiếp cận tín dụng của các DNNVV, công ty mới thành lập thường bị đánh giá là gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh khối DN, việc tiếp cận vốn vay từ các NHTM đối với những khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng được cho là hết sức hạn chế. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do các TCTD thiếu thông tin tín dụng về những khách hàng tiềm năng của mình.
Theo thống kê của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) hiện nay trong kho dữ liệu của đơn vị này lưu trữ khoảng 28,4 triệu hồ sơ khách hàng vay vốn từ các TCTD trên cả nước. Trong đó có hồ sơ của khoảng 300 ngàn DN, còn lại là các hồ sơ cá nhân. Tuy nhiên, nếu so với tổng dân số Việt Nam thì hiện nay còn khoảng hơn 41 triệu người chưa từng có quan hệ tín dụng vì vậy chưa có trong hồ sơ của CIC.
Những ghi nhận của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2016, bình quân mỗi ngày có khoảng 380 DN được thành lập mới. Những DN này hầu hết chưa vay vốn nên chưa có hồ sơ dữ liệu thông tin tín dụng. Vì vậy, việc tiếp cận vốn vay sẽ phải bắt đầu từ những khâu đoạn thẩm định đầu tiên do các TCTD thực hiện.
Do chưa có “hồ sơ tốt” về tín dụng, nhiều khách hàng DN, người dân sẽ bị bỏ qua khá nhiều những lợi thế đáng được ưu tiên khi vay vốn. Chẳng hạn, nếu khách hàng có lịch sử thanh toán đúng hạn liên tục các hóa đơn tiền điện, tiền nước với giá trị lớn; có các hợp đồng với công ty bảo hiểm hoặc có lịch sử thanh toán đúng hạn với các giao dịch thương mại… họ có thể dùng những ưu thế này để đưa ra cho các NHTM xem xét nâng điểm xếp hạng tín dụng.
Tuy nhiên, để có được một kho dữ liệu về lịch sử tài chính của khách hàng với các thông tin bổ sung bên cạnh lịch sử quan hệ tín dụng đòi hỏi phải có sự phối hợp của chính bản thân khách hàng và các DN cung cấp các dịch vụ như các đơn vị cung cấp điện, nước, viễn thông, các DN bảo hiểm, các hãng vận chuyển và các tổ chức phi tài chính.
Trong khi đó theo ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc CIC, hoạt động phối hợp này của các đơn vị, DN ngoài ngành còn khá hạn chế. Trong các năm vừa qua CIC dù đã chủ động phối hợp với khoảng 20 tổ chức ngoài ngành để thu thập các thông tin dữ liệu bổ sung, nhưng kết quả thu được khá khiêm tốn. Hầu hết các DN đều quan ngại trong việc cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng cho CIC.
Chưa kể rằng một số DN đặc thù tại Việt Nam như ngành điện, ngành viễn thông dù cho có phối hợp được thì khả năng chính xác của thông tin cũng chỉ mang tính tương đối vì nhiều trường hợp khách hàng đứng tên trong hợp đồng của công ty điện không còn là người sử dụng điện tại địa chỉ cũ, hoặc đa số khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông là các thuê bao trả trước nên không tính toán được lịch sử thanh toán, mức tín nhiệm trong các giao dịch tài chính để đưa vào hồ sơ đánh giá.
Để chủ động hơn trong việc tiếp tục mở rộng các kênh thu thập thông tin ngoài ngành NH phục vụ cho hoạt động đánh giá khách hàng vay vốn, lãnh đạo CIC cho biết, trong thời gian vừa qua đơn vị đã xây dựng cổng thông tin kết nối khách hàng cá nhân và áp dụng triển khai thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM.
Khách hàng cá nhân có thể đến trực tiếp trụ sở của CIC để đăng ký thông tin về bản thân, cũng như đăng ký nhu cầu tín dụng, qua đó kết nối giữa NH và khách hàng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng. Sắp tới đây, CIC sẽ hoàn thiện cổng kết nối khách hàng DN. Theo đó các DN có thể tra cứu thông tin tín dụng, đăng ký nhu cầu vay vốn, khai thác báo cáo chấm điểm xếp hạng… thông qua cổng thông tin này, từ đó sử dụng cho việc hoàn thiện hồ sơ vay vốn.
Ngoài ra, để tiếp tục kết nối với các đơn vị, DN ngoài ngành trong việc chia sẻ thông tin tín dụng của khách hàng và kiểm soát rủi ro cho cả DN lẫn các TCTD, mới đây, CIC đã đạt được thỏa thuận hợp tác với CTCP Hỗ trợ Dịch vụ thanh toán Việt Phú (iCare Benefist).
Theo đó, phía Việt Phú sẽ được phép khai thác thông tin từ CIC để phục vụ cho quá trình thẩm định khách hàng trong hoạt động kinh doanh của mình. Bù lại Việt Phú sẽ cung cấp các thông tin bổ sung về lịch sử tài chính của các khách hàng, giúp CIC thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng về khách hàng vay theo hướng đa chiều. Từ đó, cung cấp các thông tin này cho các TCTD nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay cho khách hàng và giảm phụ thuộc vào tài sản đảm bảo.
Nguồn: Theo Hà Minh (Thời báo Ngân hàng)
TIN TỨC LIÊN QUAN
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024
Tháng 8/2024 là tháng có hàng loạt chính sách mới quan trọng. Trong đó, chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2024 gồm các Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản; Luật các tổ chức tín dụng; nghị quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ; về phát triển và quản lý chợ, quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ , quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, …
Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng
Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam
Tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dự của cả nền kinh tế Việt Nam. Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng.
Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.