Chi tiết tin tức
Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm
Nhìn chung mức
lãi suất ở mức rất thấp so với cùng kỳ năm ngoái, dù các ngân hàng đều có những
chính sách lãi suất riêng áp dụng cho các đối tượng khách hàng khác nhau, tuỳ
thuộc vào giá trị tiền gửi, hay tình hình cân đối vốn của từng chi nhánh. Lãi
suất huy động giảm là điều kiện cần để tiếp tục hạ lãi suất cho vay.
Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm –
Ảnh minh hoạ
Cập nhật biểu lãi suất từ 33 ngân hàng cho thấy, đối với tiền gửi kỳ hạn 1
tháng, mức lãi suất cao nhất hiện nay là 4,75%/năm được áp dụng bởi các ngân
hàng Bắc Á, NCB, SCB. Lãi suất tiết kiệm thấp nhất kỳ hạn 1 tháng là 3%/năm
được áp dụng bởi 4 ngân hàng thương mại nhà nứơc là Agribank, BIDV,
Vietcombank, VietinBank…Lãi suất tiết kiệm cao nhất kỳ hạn 3 tháng là 4,75%/năm
tại các ngân hàng Bắc Á, Bảo Việt, NCB, SCB…
Tại kỳ hạn 3 tháng, lãi suất của 4 ngân hàng thương mại nhà nước “Big
4” gồm Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank áp dụng mức 3,3-3,5%/năm
Lãi suất tiết kiệm còn tương đối cao ở kỳ hạn 6 tháng là 6,2%/năm, được áp
dụng tại ngân hàng Đông Á, ngân hàng NCB khi áp dụng mức lãi suất 6,1%/năm,
trong khi đó, một số ngân hàng thường có mức lãi suất huy động cao khác như
HDBank, CBBank, PvcomBank…lãi suất chỉ còn 5,9%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 6
tháng. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng thấp nhất là 4,3%/năm, được áp dụng
bởi Vietcombank, còn 3 ngân hàng thương mại nhà nước còn lại áp dụng mức lãi suất
4,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng.
Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng không có sự chênh lệch lớn so với kỳ hạn
6 tháng. Lãi suất cao nhất đối với tiền gửi kỳ hạn 9 tháng là 6,3%/năm tại ngân
hàng Đông Á. Tiếp đến là Bảo Việt và HDBank cùng 6%/năm. Lãi suất kiệm kiệm kỳ
hạn 12 tháng cao nhất thuộc về GPBank với 6,55%/năm. Tiếp đến là Bảo Việt và
NCB cùng 6,3%/năm, CBBank 6,2%/năm.
Ở kỳ hạn 18 tháng, lãi suất tiết kiệm cao nhất kỳ hạn 18 tháng là
Publicbank với 6,95%/năm, Bảo Việt với lãi suất 6,6%/năm còn lãi suất tiết kiệm
thấp nhất kỳ hạn 18 tháng và 24 tháng là ABBank với 4,1%/năm.
Theo tính toán, nhóm “Big 4” là VietinBank, Vietcombank, BIDV và
Agribank đều đã giảm lãi suất huy động xuống mức thấp lịch sử, thấp hơn cả giai
đoạn COVID-19. Đây là các ngân hàng có mạng lưới hoạt động lớn nhất Việt Nam
với các phòng giao dịch phủ khắp các địa phương trên cả nước. Đây cũng là những
ngân hàng có quy mô tiền gửi khách hàng lớn nhất hệ thống. Tính đến cuối quý
II, Agribank có số dư tiền gửi khách hàng đạt trên 1,686 triệu tỷ đồng, tăng
3,8% so với hồi đầu năm; Agribank và BIDV (gần 1,546 triệu tỷ đồng),
Vietcombank (gần 1,327 triệu tỷ đồng), VietinBank (1,310 triệu tỷ đồng). Với
việc chiếm gần một nửa thị phần huy động tiền gửi toàn hệ thống, động thái của
nhóm Big4 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các ngân hàng tư nhân giảm thêm lãi suất huy
động trong thời gian tới.
Nhìn lại cuối năm 2022, lãi suất tiết kiệm từng lên tới 11-12% một năm
trong bối cảnh nhiều ngân hàng chạy đua huy động vốn, sang đến năm 2023 lãi
suất vẫn khá cao. Kể từ quý 2/2023, sau khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện quyết
liệt giảm lãi suất điều hành nhằm thực hiện nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo
của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người dân và DN tăng khả năng tiếp
cận vốn và đóng góp vào việc phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, đến nay,
mặt bằng lãi suất huy động đã hạ nhiệt. Bên cạnh đó, một nguyên nhân là tổng
cầu của nền kinh tế thu hẹp dẫn đến khả năng hấp thụ vốn của các DN suy giảm
khiến tăng trưởng tín dụng thấp.
Do lãi suất đầu vào giảm nên lãi suất đầu ra cũng giảm theo. Hiện mức lãi
suất cho vay bình quân với khoản cho vay ngắn hạn còn khoảng 5,5 %-7%/năm. Còn
lãi suất cho vay trung, dài hạn những khoản cho vay mới là khoảng 8,5-10%/năm.
Có những khoản vay nợ trước đây chưa đến kỳ trả nợ thì có độ trễ trong việc hạ
lãi suất do trước đây ngân hàng thương mại huy động lãi suất cao.
Tại cuộc Gặp mặt của Thường trực Chính phủ với doanh nhân nhân Ngày Doanh
nhân Việt Nam chiều 11/10, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết:
Từ đầu năm đến nay, NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo xu hướng nới lỏng
từng bước phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô bằng
việc 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm
nhằm định hướng và tạo điều kiện cho các TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay,
góp phần tăng cường đầu tư xã hội, hỗ trợ sản xuất, tăng trưởng kinh tế và giải
quyết việc làm.
“Đến nay, lãi suất cho vay VND đã giảm bình quân khoảng 1,5 – 2,0%/năm
so với cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do tác
động của độ trễ chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của
NHNN. Từ đầu năm chỉ kỳ vọng giảm 1,5% nhưng đến nay mới tháng 10 đã giảm mức
1,5%-2% từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Với sự triển khai quyết liệt và
nỗ lực của NHNN và ngành ngân hàng, đến ngày 29/9/2023, dư nợ tín dụng toàn nền
kinh tế đã tăng gần 7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 11,05%), riêng trong tháng 9
những ngày đầu tháng 10 tốc độ tăng trưởng tích cực đạt thêm khoảng 1%. Tổng dư
nợ cả nền kinh tế đến nay là khoảng 13 triệu tỷ đồng, từ đầu năm cung ứng thêm
cho DN hỗ trợ thị trường trái phiếu đang khó khăn gần 600 nghìn tỷ đồng”,
ông Đào Minh Tú thông tin.
Nguồn: thoibaonganhang.vn
TIN TỨC LIÊN QUAN
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024
Tháng 8/2024 là tháng có hàng loạt chính sách mới quan trọng. Trong đó, chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2024 gồm các Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản; Luật các tổ chức tín dụng; nghị quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ; về phát triển và quản lý chợ, quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ , quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, …
Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng
Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam
Tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dự của cả nền kinh tế Việt Nam. Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng.
Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.