• Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Huế
  • QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
    THÀNH PHỐ HUẾ

Chi tiết tin tức

13/ Tháng 12

Làm thế nào để PPP có hiệu quả

Quy định nghiêm ngặt đã trở thành trở ngại cho đầu tư

Ước tính trong 20 năm tới, mỗi năm Việt Nam cần thu hút từ 15-20 tỷ USD vốn đầu tư tư nhân vào phát triển kết cấu hạ tầng đất nước. Trong bối cảnh đó, hợp tác công tư (PPP) được xem là giải pháp hữu hiệu để hút các nguồn vốn tư nhân, các nguồn tài chính quốc tế lấp đầy khoảng trống vốn đầu tư.

Các lợi thế có được từ thúc đẩy PPP không chỉ đơn thuần là đáp ứng nhu cầu về nguồn tài chính bổ sung, mà còn là giải pháp thị trường cho bài toán quy hoạch – đầu tư – xây dựng – quản trị để phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại.

Mặc dù có nhiều lợi thế như vậy, song hơn 20 năm qua, vẫn còn quá ít các dự án PPP được triển khai. Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 20 năm qua mới có khoảng 200 dự án đầu tư theo hình thức PPP được cấp phép; trong đó có 158 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) và hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) trong lĩnh vực giao thông, 9 dự án BOT trong ngành điện, 5 dự án xử lý nước thải.

Nguyên nhân chủ yếu là do các quy định pháp lý chưa hấp dẫn và vẫn còn những cản trở động lực tham gia của các nhà đầu tư tư nhân. Anh là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới trong quan hệ đối tác công tư và tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển chương trình PPP. Tuy nhiên, ông Kenneth Atkinson – Chủ tịch Hiệp hội DN Anh tại Việt Nam (BBGV) cho biết, còn nhiều vấn đề cần được giải quyết trước khi nguồn tài chính quốc tế chảy tới hỗ trợ chương trình PPP tại Việt Nam. Trong đó điểm quan trọng nhất là sự đảm bảo của Chính phủ đối với việc chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư. “Các nhà tài trợ nước ngoài cần đảm bảo những hiệu quả nhất định trong việc thực hiện dự án và nhận được những quyền lợi tương xứng để tránh những rủi ro không muốn có”, ông cho biết.

Cũng đề cập tới vấn đề chia sẻ rủi ro, ông Tony Foster – Trưởng Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng của Diễn đàn DN Việt Nam cho biết, hiện tại vẫn chưa có quy định rõ ràng về cơ chế để Nhà nước cung cấp các hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính cho các dự án PPP trong các lĩnh vực rủi ro cao do không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm hoặc dịch vụ để đảm bảo nguồn doanh thu của dự án. Việc không có nguồn thu chắc chắn sẽ khiến cho nhà đầu tư và bên cho vay không thể đánh giá và quản lý được các rủi ro của các dự án này và do đó sẽ không muốn tham gia đầu tư vào các dự án PPP trong các lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, theo ông Ryu Hang Ha – Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), các quy định nghiêm ngặt mà không phù hợp hiện nay đã trở thành trở ngại cho việc đầu tư. Đơn cử để thúc đẩy đầu tư vào hình thức PPP, các nhà đầu tư cần được cho phép có nhiều lựa chọn khác nhau để huy động vốn đầu tư, nhưng hiện quy định quá nghiêm ngặt và thiếu cơ sở pháp lý để công nhận các phương thức huy động vốn khác nhau của DN tư nhân.

“PPP quá nguyên tắc”, ông Tony Foster nói. Quy định về PPP mang tính ấn định các bên tham gia phải tuân thủ theo phương pháp và quy định được đặt ra, kể cả khi các phương pháp và quy định này chỉ mang tính thủ tục chứ chưa mang tính định hướng kết quả (kết quả quan trọng hơn cách thức thực hiện để tạo ra kết quả đó).

Luật PPP mới – cần hy vọng tương lai

Một cơ chế đầu tư PPP tốt cần bắt đầu với một hệ thống pháp luật tốt. Hiểu rõ điều này nên Chính phủ đang có kế hoạch xây dựng Luật PPP mới. Nếu được Quốc hội thông qua chương trình xây dựng Luật, dự kiến dự án Luật PPP mới có thể báo cáo Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào năm 2020 hoặc 2021. Nhiều chính sách mới sẽ được đưa vào luật này nhằm làm thay đổi hẳn tư duy, cách thức làm dự án PPP như hiện nay.

Phía DN kỳ vọng rằng Luật PPP mới nên xem xét các dự án PPP từ góc nhìn thị trường và thương mại, thay vì góc nhìn của dự án đầu tư công hoặc đầu tư tư nhân truyền thống. Áp dụng linh hoạt các cơ chế PPP chắc chắn là giải pháp hiệu quả để khuyến khích tư nhân tham gia.

Ông Koji Ito – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đề nghị, Chính phủ Việt Nam nên cho phép sử dụng luật nước ngoài làm luật áp dụng và quy định rõ hơn về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Mặc dù Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP có quy định “có thể áp dụng luật nước ngoài”, nhưng lại không quy định rõ là có thể áp dụng luật nước ngoài đối với những hợp đồng mà một trong các bên ký kết là pháp nhân nước ngoài hay không. Bên cạnh đó, mặc dù Nghị định 63 cũng quy định có thể sử dụng trọng tài bên ngoài Việt Nam, nhưng đối với các tranh chấp liên quan đến bất động sản phải giải quyết tại tòa án Việt Nam. Như thế, những tranh chấp phát sinh tại các dự án PPP liên quan đến xây dựng, kinh doanh thiết bị cơ sở hạ tầng được coi là dự án bất động sản tức là phải giải quyết tại tòa án Việt Nam nên việc thu xếp tài chính cho dự án từ các tổ chức tài chính nước ngoài gặp khó khăn.

Nhiều khuyến nghị cụ thể khác để các quy định pháp lý về PPP không còn là trở ngại mà hướng đến khuyến khích tạo điều kiện cho DN cũng được các Hiệp hội DN nước ngoài đề cập tới như việc Chính phủ san sẻ một phần rủi ro liên quan đến việc ngừng thanh toán và chứng nhận ngoại hối, chịu một mức độ rủi ro nhất định trong việc chuyển đổi tỷ giá. “Quan trọng nhất là việc cân bằng hợp lý các rủi ro. Về rủi ro ngoại hối nếu các nhà đầu tư nước ngoài phải chịu, họ sẽ tính giá các rủi ro đó vào dự án khiến cho chi phí dự án tăng cao hơn và không mang tính kinh tế cao”, Chủ tịch BBGV nói.

Trong khi chờ có luật mới, phía cộng đồng DN cũng đề nghị Chính phủ cần có các hành động quyết liệt hơn bao gồm cả việc ban hành các cơ chế đặc thù để có những dự án PPP thí điểm thành công. Cơ chế đặc thù đã từng có dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết. Các dự án thí điểm này là tiền lệ, là căn cứ để Chính phủ xây dựng Luật PPP mới.

Chia sẻ với Chính phủ Việt Nam ông Tony Foster cho biết, PPP rất phức tạp, không chỉ ở Việt Nam, mà ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Mặc dù vậy ông hy vọng Luật PPP mới sẽ mang đến nhiều hơn các dự án PPP thực sự thành công sử dụng vốn tư nhân./.

Nguồn: Theo Linh Đan (thoibaonganhang.vn)

 

  • Facebook
  • Twitter
  • Linkedln
  • Google +

TIN TỨC LIÊN QUAN

Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024 30
Th07

Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024

Tháng 8/2024 là tháng có hàng loạt chính sách mới quan trọng. Trong đó, chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2024 gồm các Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản; Luật các tổ chức tín dụng; nghị quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ; về phát triển và quản lý chợ, quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ , quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, …

Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng 23
Th07

Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng

Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam 23
Th07

Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam

Tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dự của cả nền kinh tế Việt Nam. Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng.

Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen 22
Th07

Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen

Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.

ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0% 19
Th07

ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%

Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.