Chi tiết tin tức
Kỳ vọng kinh tế Việt Nam năm 2024
Mặc dù tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu trong năm 2023, nhưng các chuyên gia đều nhận định đà phục hồi đã rõ nét và kỳ vọng 2024 hoàn toàn có thể là năm bứt phá, qua đó góp phần hoàn thành chặng đường phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025 như kế hoạch đặt ra.
Ảnh minh họa
Tại báo cáo Vietnam At A Glance tháng 1 của HSBC – báo cáo đầu tiên của năm mới 2024 vừa phát hành ngày 11/1 – các chuyên gia kinh tế HSBC nhận định năm Quý Mão “không phải một năm dễ dàng” đối với Việt Nam. Tuy nhiên, “bất chấp bối cảnh gập ghềnh, Việt Nam đã khép lại năm 2023 một cách tương đối tích cực để từ đó kỳ vọng năm 2024 nhiều khả năng sẽ là năm Việt Nam vươn lên mạnh mẽ từ muôn trùng thách thức”, báo cáo nêu. Trong đó, một trong những yếu tố quan trọng nhất là năng lực bổ sung trong thương mại từ các dòng vốn FDI chảy vào ổn định. Điều này mang lại niềm hy vọng cho lĩnh vực bên ngoài khi chu kỳ thương mại đổi chiều. Các chuyên gia HSBC lưu ý, mặc dù chu kỳ thương mại là yếu tố mang tính ngắn hạn – và hiện nay vẫn cho thấy những rủi ro và khó khăn, nhưng FDI phản ánh xu hướng và tâm lý nhà đầu tư trong trung và dài hạn, cho thấy họ có niềm tin và kỳ vọng lớn đối với Việt Nam.
Cũng vào đầu tháng này, báo cáo nghiên cứu toàn cầu về Việt Nam của Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP đạt mức 6,7% năm 2024, với xu hướng đà phục hồi tiếp tục cải thiện dần theo thời gian (trong đó dự báo tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,2% trong nửa đầu năm và 6,9% trong nửa cuối năm 2024). Một trong những cơ sở cho kỳ vọng trên của Standard Chartered là doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp duy trì đà phục hồi mạnh mẽ. Cùng với đó, dù các thách thức của thương mại toàn cầu có thể vẫn là một rủi ro chính nhưng xuất nhập khẩu cũng đang bắt đầu phục hồi. “Triển vọng kinh tế Việt Nam về trung hạn vẫn đầy hứa hẹn. Để duy trì tốc độ tăng trưởng và khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và hướng ưu tiên vào giảm lượng khí thải carbon”, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered, bình luận.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, tiếp nối đà phục hồi nửa cuối năm 2023, sự gia tăng hiệu quả của các động lực tăng trưởng truyền thống kết hợp với khả năng phát huy các động lực tăng trưởng mới, dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 ở kịch bản cơ sở (nhiều khả năng xảy ra nhất) có thể đạt 6-6,5%. Trong đó theo hướng cầu, dự báo tăng trưởng của các động lực tăng trưởng chính sẽ ở khoảng 5-10% (xuất khẩu tăng 5-7%; giải ngân FDI tăng 8-10%; doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 7,5-8%…). Theo hướng cung, tăng trưởng của các lĩnh vực kinh tế duy trì ít nhất tương đương hoặc cao hơn năm 2023, trong đó khu vực nông nghiệp dự kiến tăng 3,2-3,5%; công nghiệp – xây dựng tăng 5,2-5,5% và khu vực dịch vụ tăng 7-7,2%).
Khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực
Tuy nhiên bên cạnh đó TS. Cấn Văn Lực cũng lưu ý còn 2 kịch bản tăng trưởng GDP khác. Ở kịch bản tích cực (các điều kiện môi trường quốc tế và trong nước thuận lợi đều hơn), tăng trưởng GDP có thể cao hơn 0,5-1 điểm % so với kịch bản cơ sở (tức có thể đạt 6,5-7%). Ngược lại với kịch bản tiêu cực, nếu các rủi ro bên ngoài gia tăng và tác động tiêu cực hơn, trong khi các động lực tăng trưởng trong nước chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 chỉ đạt khoảng 5-5,5%.
Dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 (Nguồn: Dự báo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV)
Nhận định năm 2024 là năm bản lề quan trọng đối với kinh tế Việt Nam, tạo điều kiện hoàn thành các mục tiêu cho giai đoạn 2021-2025, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị để đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 một mặt cần tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường tài chính – tiền tệ quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp, nhất quán thực hiện tốt Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02/2024 mà Chính phủ vừa ban hành.
Đặc biệt chú trọng các động lực tăng trưởng truyền thống theo hướng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng tốt hơn các FTA đã ký kết và các quan hệ đối tác chiến lược được nâng cấp gần đây; thúc đẩy giải ngân đầu tư công hiệu quả, đúng kế hoạch, trở thành vốn mồi cho các nguồn vốn khác và có các chính sách, giải pháp kích cầu đầu tư tư nhân và tiêu dùng nội địa. Cùng với đó, khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới liên quan đến phát triển kinh tế số, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng; tăng năng suất lao động, đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; quan tâm thúc đẩy tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế, nhất là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng (chiếm 32% GDP cả nước năm 2023) qua đó thúc đẩy liên kết vùng…
Quyết liệt đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp, dự án yếu kém, TCTD yếu kém nhằm góp phần huy động và phân bổ nguồn lực hiệu lực hơn, giảm mạnh chi phí vận hành, duy trì tốn kém. Cùng với đó, chất lượng và hiệu quả đầu tư công cần được chú trọng. Chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, trong đó tập trung nâng cao năng suất lao động (xem xét thành lập Ủy ban năng suất quốc gia), tăng khả năng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng chung; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm phân bổ, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn như nêu trên; xây dựng chiến lược và giải pháp tăng tính độc lập, tự chủ, tự cường và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.
Nguồn: Đỗ Lê (thoibaonganhang.vn)
TIN TỨC LIÊN QUAN
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024
Tháng 8/2024 là tháng có hàng loạt chính sách mới quan trọng. Trong đó, chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2024 gồm các Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản; Luật các tổ chức tín dụng; nghị quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ; về phát triển và quản lý chợ, quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ , quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, …
Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng
Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam
Tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dự của cả nền kinh tế Việt Nam. Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng.
Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.