• Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Huế
  • QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
    THÀNH PHỐ HUẾ

Chi tiết tin tức

23/ Tháng 9

Khởi nghiệp – “Chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp của Đảng đã rõ ràng”

Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu là lãnh đạo của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB, các trường Đại học, Viện nghiên cứu, các hiệp hội doanh  nghiệp, Quỹ đầu tư và các nhóm startup như Dragon Capital, FPT Venture, IDG, Cyber Agent, Unitus Impact…

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Chủ trương coi trọng doanh nghiệp, doanh nhân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp là chủ trương thường xuyên, nhất quán của Đảng”; vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân đã được hiến định tại Khoản 3, Điều 51, Hiến pháp 2013: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng, trong đó gần đây là Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020, đặt mục tiêu tới năm 2020 cả nước ta có 1 triệu doanh nghiệp (hiện nay mới có trên 500.000 doanh  nghiệp). Trong kỳ họp Quốc hội tới, Chính phủ cũng trình Quốc hội dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhiều nội dung quan trọng.

“Như vậy chủ trương của Đảng là rõ ràng, Chính phủ, các bộ, ngành cũng thể hiện quyết tâm vì doanh nghiệp rồi và điều còn lại là Việt Nam phải xây dựng thể chế, chính sách như thế nào, cộng đồng doanh nghiệp, xã hội phải làm gì để chủ trương và chính sách đó đi vào cuộc sống?”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề với các đại biểu tham dự hội thảo.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam là nước có nền kinh tế đang chuyển đổi, vì vậy phải nghiên cứu, học tập, vận dụng kinh nghiệm của các nước đi trước. Trong lĩnh vực khởi nghiệp-sáng tạo, Israel được coi là một quốc gia khởi nghiệp thành công trên thế giới và Việt Nam cần học tập cả về lý luận, thực tiễn của quốc gia này.  Do vậy, hội thảo là cơ hội tốt cho các cơ quan của Chính phủ, TP. Hà Nội nghiên cứu các thể chế và chính sách, cả về cấp vĩ mô và vi mô hỗ trợ kinh tế nói chung và khởi nghiệp-sáng tạo nói riêng; góp phần trả lời câu hỏi Chính phủ, Trung ương cần làm gì, Hà Nội phải làm gì để đẩy mạnh hơn phong trào khởi nghiệp, để thành lập nhiều DN hơn, số lượng DN phải giải thể ít đi và số lượng DN hoạt động có hiệu quả ngày càng tăng lên.

Các doanh nghiệp (DN) startup “nội” đã thành công tại Việt Nam và vươn ra cả nước ngoài, lãnh đạo Cơ quan sáng tạo, đổi mới Israel, lãnh đạo các bộ, ngành đều khẳng định Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội lớn cho khởi nghiệp; nhìn nhận khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay đã dễ dàng và thông thoáng hơn nhiều so với cách đây 5, 10 năm; các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần phục vụ cho khởi nghiệp còn ít nhưng xu hướng sẽ tăng lên.

Các ý kiến cũng khẳng định muốn có hệ sinh thái khởi nghiệp phải gắn chặt với đổi mới, sáng tạo, quan hệ mật thiết với công nghệ cao, công nghệ thông tin, kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp. Các diễn giả cũng lưu ý Việt Nam không chỉ chú trọng yếu tố kỹ thuật mà còn phải coi trọng các yếu tố thương mại, kinh doanh, vì mục tiêu cuối cùng là sáng tạo trở thành hàng hóa thương mại.

Tuy nhiên, các startup, đại diện các Quỹ đầu tư mạo hiểm cũng bày tỏ nhiều trở ngại cho sự phát triển khởi nghiệp tại Việt Nam. Đó là làm sao để các startup khởi nghiệp hoặc “rút lui”, mở chi nhánh ở nước ngoài thuận lợi nhất? Việc thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm như thế nào để hỗ trợ cho khởi nghiệp? Startup sử dụng tài sản trí tuệ để thế chấp vay vốn ngân hàng được không? Vai trò của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng như thế nào trong giai đoạn tăng tốc khởi nghiệp khi mà ý tưởng được thương mại hóa? Cổng Thông tin khởi nghiệp quốc gia tập trung và hệ thông tin khởi nghiệp sẽ được triển khai, hỗ trợ khởi nghiệp ra sao?…

Triển khai nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp

Chủ trì phiên tọa đàm chính sách khởi nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu lãnh đạo các bộ giải thích với cộng đồng startup và các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết Bộ đang soạn thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV), tạo điều kiện đăng ký thành lập DN thuận lợi nhất. Hiện có thể đăng ký thành lập qua mạng internet rất nhanh và nhận được sự quan tâm của cộng đồng DN, như ở Hà Nội đã có 38% DN đăng ký qua mạng sau 2 năm thực hiện.

Đối với việc thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần vào Việt Nam, khó nhất hiện nay là sự công nhận hiện diện của pháp luật đối với các quỹ này khi mà không có 2 dòng vốn này thì không có startup – sáng tạo. Bộ KH&ĐT sẽ đưa nội dung các loại quỹ đầu tư này vào Luật DNNVV để quy định với phương thức quản lý tối giản nhất, Nhà nước chỉ bảo đảm tiền “chảy” đúng vào startup.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết liên quan tới gọi vốn ngân hàng trong khởi nghiệp thì nguồn vốn của ngân hàng quan trọng khi tăng tốc khởi nghiệp. Nhưng tùy tính chất, quy mô từng sản phẩm, các ngân hàng sẽ quyết định mức vốn và thời hạn vay. Còn về dài hạn thì startup phải sử dụng đồng bộ các nguồn vốn khác từ chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu DN. Về sử dụng quyền sáng chế làm tài sản bảo đảm, Luật Dân sự năm 2015 quy định về tài sản bảo đảm trong đó có quyền tài sản. Quyền sáng chế là tài sản vô hình nhưng cũng cần phải quy định rõ hơn trong các văn bản hướng dẫn nên có thể dùng quyền sáng chế làm tài sản bảo đảm.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết thêm tài sản trí tuệ thì có thể hiểu là sáng chế hữu ích, giá trị được bảo hộ thì Bộ KH&CN và Bộ Tài chính đã có Thông tư hướng dẫn định giá về tài sản trí tuệ này. Tuy nhiên, ông Tùng cho biết quan trọng hơn khi thực hiện, các nhà khoa học được quyền đem bí quyết công nghệ tính ra giá trị và góp vốn liên doanh liên kết hình thành DN.

Đối với phát triển vườn ươm công nghệ, ông Trần Văn Tùng cho biết vai trò Nhà nước là tạo khu làm việc tập trung cho nhà đầu tư tiến hành khởi nghiệp. “Ở Hà Nội có khu làm việc tập trung của anh Nam Đỗ rộng 800 m2 rất hiệu quả. Nhà nước hãy tạo điều kiện cho họ về mặt bằng, cơ sở vật chất tập trung và hãy giao cho những người như anh Nam Đỗ, là tư nhân, để khai thác, quản lý và sử dụng hiệu quả nhất việc ươm tạo”, ông Tùng nói.

Về Cổng Thông tin khởi nghiệp quốc gia, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, Bộ KH&CN đang xây dựng và đây là công việc hết sức quan trọng. Tác dụng của Cổng Thông tin khởi nghiệp sẽ là thông báo công khai quy trình, thủ tục từ việc thành lập DN, chế độ chính sách, công nghệ, kết quả nghiên cứu để các startup tham khảo, sử dụng được và kết nối các startup với nhau, kết nối với nhà đầu tư.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm khẳng định: “Việt Nam mạnh lên bằng công nghệ thông tin thì phải gắn chặt với khởi nghiệp sáng tạo”. Bộ TT&TT đang làm hệ thống băng thông rộng, dung lượng lớn, chất lượng cao có thể cung cấp đa dịch vụ và giá dịch vụ cạnh tranh hỗ trợ cho khởi nghiệp. Bộ TT&TT sẽ hoàn thiện quản lý theo cách quản lý để phát triển chứ không phải quản lý đến đâu phát triển đến đó. Ngoài ra, Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo báo chí truyền thông cổ vũ, động viên phong trào startup.

Rủi ro nhưng mang lại lợi nhuận lớn

Thay mặt Chính phủ phát biểu với cộng đồng startup, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận được từ hội thảo về “văn hóa khởi nghiệp”. 

Đó không phải đơn thuần là giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường như trước, mà nay, khởi nghiệp phải là của cả quốc gia, của các DNNVV, các DN lớn, diễn ra không ngừng nghỉ; phải học văn hóa chấp nhận thất bại và chấp nhận rủi ro vì đây là hình thức đầu tư mạo hiểm; là văn hóa chia sẻ – hợp tác của những startup đã thành công với những ý tưởng mới hình thành, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ cũng lý giải mức độ rủi ro cao thì tại sao các nhà đầu tư và Nhà nước lại tham gia vào, vì rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng lớn và khởi nghiệp là cuộc chơi của người tiên phong, dám chấp nhận mạo hiểm. Mười ý tưởng khởi nghiệp thì có tới 7 ý tưởng “thua”, 3 “thắng” nhưng có thể mang lại lợi nhuận rất lớn cho các nhà đầu tư.

Còn Nhà nước khi tham gia, hỗ trợ cho khởi nghiệp sẽ có lợi ở nhiều thứ: Tăng việc làm, thu nhập, tăng trưởng kinh tế để có điều kiện giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, là những lợi ích không tính được bằng tiền, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Mặt khác với tư cách nhà đầu tư mạo hiểm (thông qua các quỹ đầu tư) thì Nhà nước sẽ có lợi thế kinh tế từ thoái vốn, hoàn lại các tài sản đầu tư ban đầu.

Tóm lược, các công việc mà Chính phủ, các bộ, ngành cần thực hiện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ xác định các vấn đề cần thực hiện: Một là xây dựng Cổng Thông tin khởi nghiệp quốc gia và các trung tâm hỗ trợ cho khởi nghiệp. Hai là đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo góp phần nâng cao nhận thức khởi nghiệp cho xã hội. Ba là xây dựng khung khổ pháp lý cho các chính sách tài chính, tiếp cận tín dụng cho hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ thiên thần, quỹ tăng tốc khởi nghiệp, có các thể chế chính sách liên quan tới thuế, thuế thu nhập cá nhân trong các giai đoạn phát triển của các startup, có chính sách tín dụng sử dụng trí tuệ như tài sản và tăng cường vai trò của ngân hàng thương mại trong giai đoạn tăng tốc khởi nghiệp.

Trong xây dựng thể chế, chính sách, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải coi trọng vai trò của các viện, trường, cơ sở nghiên cứu khoa học, thậm chí các bộ nghiên cứu việc phát triển DN trong các viện, trường đại học để gắn ý tưởng với thị trường hàng hóa.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ mong muốn các startup mạnh dạn hơn nữa, chấp nhận rủi ro, tăng cường chia sẻ hợp tác, xây dựng văn hóa khởi nghiệp; cộng đồng startup đổi mới hơn sáng tạo hơn nữa; chủ động đề xuất sáng kiến chính sách cho Chính phủ, chính quyền địa phương. Chính phủ luôn lắng nghe và thảo luận các kiến nghị chính sách với cộng đồng startup./.

  • Facebook
  • Twitter
  • Linkedln
  • Google +

TIN TỨC LIÊN QUAN

Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024 30
Th07

Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2024

Tháng 8/2024 là tháng có hàng loạt chính sách mới quan trọng. Trong đó, chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2024 gồm các Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản; Luật các tổ chức tín dụng; nghị quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ; về phát triển và quản lý chợ, quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ , quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, …

Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng 23
Th07

Tín dụng tăng trưởng 6% trong 6 tháng

Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam 23
Th07

Thúc đẩy tín dụng xanh ở Việt Nam

Tính đến đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dự của cả nền kinh tế Việt Nam. Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng.

Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen 22
Th07

Mở rộng tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen

Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.

ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0% 19
Th07

ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%

Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.