Chi tiết tin tức
Gặp khó với tiêu chí quy hoạch nghĩa trang
Từ khi Chính phủ xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, theo đó ban hành bộ các tiêu chí. Trong đó, ở tiêu chí 17 có nội dung về quy hoạch, xây dựng Nghĩa trang Nhân dân phải đạt chuẩn theo quy định. Từ đây, các địa phương nhận diện được khó khăn quá trình triển khai.
Nhiều lãnh đạo địa phương thẳng thắn nhìn nhận, nếu áp vào chỉ tiêu khu nghĩa trang phải có khu hung táng, cát táng… thì hầu như không có xã nào trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn.
“Ở địa phương, nhiều khu nghĩa địa nằm rải rác. Việc vận động di dời đến khu tập trung dường như quá khó bởi nặng yếu tố tâm linh. Chúng tôi chỉ có thể quy hoạch khu nghĩa địa tập trung đang có và vận động người dân khi có người thân mất thì an táng tại đó. Riêng vấn đề quy về một mối là không thể”, Chủ tịch UBND xã Hương Phong (TX.Hương Trà) Trần Viết Én chia sẻ.
Tại nhiều địa phương, không khó để nhận thấy nghĩa trang, nghĩa địa đang rơi vào tình trạng quá tải, chính quyền các xã phải đặt biển cấm an táng. Trong tiến trình xây dựng NTM, để đạt chuẩn, một số địa phương phải đầu tư khá nhiều kinh phí vào hạng mục này, điển hình như xã Phong An (huyện Phong Điền).
Lãnh đạo xã Phong An thông tin, để hoàn thành chương trình xây dựng NTM, địa phương này đã đầu tư 1 tỷ đồng để nâng cấp tuyến đường dài 1km đến Nghĩa trang thôn Phò Ninh; nâng cấp đường vào Nghĩa trang thôn Đồng Lâm có chiều dài 0,5km với gần 500 triệu đồng; những tuyến đường vào những nghĩa trang còn lại đều được mở rộng thêm từ 3,5m lên 6,5m.
Không phủ nhận những nỗ lực từ chính quyền các xã trong việc quy hoạch khu nghĩa trang, nghĩa địa tập trung. Nhưng trao đổi với lãnh đạo các địa phương, ngoài công tác tuyên truyền, vận động người dân, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là kinh phí để xây dựng.
Xã Quảng Công (huyện Quảng Điền) đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn NTM năm 2017 sau gần 10 năm nỗ lực xây dựng. Riêng chỉ tiêu về nghĩa trang thì địa phương này cũng đã quy hoạch các khu chôn cất tập trung có quy mô. Song, ngoài những khu đất phù hợp được quy hoạch, những hạng mục xây dựng dường như không được đầu tư. Nhắc đến điều này, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Công Nguyễn Đính thừa nhận: “Nghĩa trang, nghĩa địa liên quan đến yếu tố tâm linh nên quả thực rất nhạy cảm. Để đầu tư xây dựng một nghĩa trang nhân dân đạt chuẩn thì cần kinh phí khá lớn, nhưng ngân sách của địa phương không kham nổi. Hiện nay, mặc dù có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn tình trạng người dân dành đất để xây dựng các nghĩa trang gia đình, dòng họ”.
Theo bộ tiêu chí xây dựng NTM, để cán đích xây dựng NTM, các địa phương phải hoàn thành chỉ tiêu quy hoạch nghĩa trang phải đúng theo Nghị định 23/2016 của Chính phủ về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng.
Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành quy hoạch tổng thể hệ thống nghĩa trang của tỉnh đến năm 2020 với mục tiêu song song với xây dựng mới các nghĩa trang tập trung phục vụ nhu cầu mai táng, cải táng của Nhân dân ở các đô thị lớn (thành phố Huế và khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô) các điểm dân cư tập trung ở các vùng nông thôn đồng bằng và miền núi, tiến hành xây dựng, cải tạo, sắp xếp và chỉnh trang các vùng đất Nhân dân đã sử dụng vào mai táng, xây lăng mộ từng bước chuyển thành nghĩa trang chính thức.
Lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cũng thừa nhận, nhiều địa phương trong quá trình xây dựng NTM cũng đang gắp khó khăn ở chỉ tiêu nghĩa trang bởi kinh phí lẫn yếu tố tâm linh.
Để hỗ trợ và giải quyết thực trạng này thì chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay đã có giải pháp là tiếp tục mở rộng khu vực nghĩa trang nhà nước phía Bắc và phía Nam, đồng thời kêu gọi thêm các doanh nghiệp tư nhân đầu tư về lĩnh vực này tại tỉnh nhà. Đáp lại lời kêu gọi đó thì trên địa bàn tỉnh đã có 2 dự án công viên nghĩa trang sinh thái đang trong quá trình xây dựng và chuẩn bị đi vào khai thác dự kiến trong năm 2020 đều do các đơn vị tư nhân làm chủ. Đó là Dự án Công viên nghĩa trang Hương An Viên (phường Hương An, thị xã Hương Trà) của chủ đầu tư Công ty VIF An Lộc và Dự án Công viên nghĩa trang Vườn địa đàng Huế (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy) do Công ty Cổ phần Nhật Tiến Huế làm chủ đầu tư.
Ông Phan Lê Minh Huy, Giám đốc Công ty VIF An Lộc, chủ đầu tư của dự án Công viên nghĩa trang Hương An Viên cho hay: “Bài toán về đất mai táng để thực hiện đề án xây dựng NTM không chỉ nằm ở vấn đề vận động người dân thay đổi nhận thức mà chính quyền còn phải hỗ trợ khu vực mai táng thay thế cho họ. Đơn vị chúng tôi sẽ hỗ trợ tỉnh nhà trong việc quy hoạch các khu chôn cất bài bản, cung cấp thêm các dịch vụ thiết yếu, tiến tới là dịch vụ hỏa thiêu vào năm 2021. Cách làm này không chỉ vừa thay đổi cách nhìn của người dân về vấn đề mai táng mà còn mang lại giải pháp hiệu quả về diện tích đất cần phải phục vụ cho người đã khuất, mà các tỉnh thành khác đã thực hiện từ lâu”.
Theo Liên Minh
https://baothuathienhue.vn/
TIN TỨC LIÊN QUAN
Ra mắt thương hiệu xe minibus đầu tiên KIMLONG X9 tại Huế
Sáng 19/10, tại Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, Công ty cổ phần KIM LONG MOTOR HUẾ tổ chức ra mắt xe minibus thương hiệu KIMLONG X9. Tham dự có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; Tổng Giám đốc WWF-Việt Nam Văn Ngọc Thịnh; cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan và các đối tác của doanh nghiệp.
Đặc sắc chương trình nghệ thuật Áo dài – Festival Huế 2024 “Linh Phụng”
Tối 23/9, tại Nhà hát Sông Hương, số 1 Lê Lợi, Thành phố Huế đã diễn ra Chương trình nghệ thuật Áo dài – Festival Huế 2024 “Linh Phụng” trong khuôn khổ lễ hội mùa Thu. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; cùng đông đảo khán giả, du khách trong nước và quốc tế.
Xúc tiến, quảng bá, kết nối Du lịch Huế – 2024
Chiều ngày 19/9, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Hiệp Hội Du lịch Việt Nam tổ chức chương trình hội nghị “Xúc tiến, quảng bá, kết nối Du lịch Huế – 2024” giữa các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Thừa Thiên Huế với các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước. Đến dự hội nghị có ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn; UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định; lãnh đạo các sở, ban, ngành và 70 Công ty du lịch, Lữ hành trên cả nước và 60 Công ty Lữ hành trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Động thổ xây dựng nhà máy sản xuất, chế tạo động cơ ô tô với mức đầu tư 260 triệu USD
Sáng ngày 23/8, tại Khu công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Kim Long Motor Huế thuộc Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, huyện Phú Lộc đã diễn ra lễ động thổ xây dựng nhà máy sản xuất, chế tạo động cơ ô tô. Dự buổi lễ có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng chí Lê Trường Lưu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương; đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương, đối tác quốc tế.
Tập trung các giải pháp phát triển KT- XH 6 tháng cuối năm
Sáng ngày 17/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày làm việc thứ hai, HĐND tỉnh thảo luận tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kì họp lần thứ 8, phiên chất vấn, trả lời chất vấn và bế mạc kì họp. Các đồng chí: Lê Trường Lưu – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Quang Tuấn – UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Ái Vân – TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.