Chi tiết tin tức
Chủ động thích ứng với hoạt động kinh doanh trong tình hình dịch bệnh
Các doanh nghiệp không trông chờ, ỷ lại mà phải chủ động thích ứng và thay đổi phương thức, hình thức sản xuất kinh doanh phù hợp trong tình hình dịch bệnh; đặc biệt là cần tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản trị để phát triển bền vững. Đó là yêu cầu của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp vào sáng ngày 9/5.
Chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo về tác động của dịch Covid-19, thách thức và thời cơ, cơ hội phát triển kinh doanh; thông báo nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trình bày, tổng hợp các kiến nghị, sáng kiến của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả, mức độ tiếp nhận, hấp thụ của doanh nghiệp đối với các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Tại hội nghị, đại diện bộ, ngành, hiệp hội, DN đánh giá cao tinh thần “chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Chính phủ và những chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ đối với DN, người dân bị tác động bởi dịch và các giải pháp quyết liệt trong chống dịch. Đồng thời, tham gia ý kiến với nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh cũng như đề xuất với Chính phủ nhiều kiến nghị để thúc đẩy nền kinh tế chung của cả nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Các bộ, ngành, địa phương cũng đã trả lời các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp; đặc biệt nêu rõ các giải pháp về chính sách trong lĩnh vực tài khóa, thuế, phí, tiền tệ, tín dụng, lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giải pháp hỗ trợ người dân và người lao động, sử dụng lao động gặp khó khăn…
Tại Thừa Thiên Huế, dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng hầu hết các ngành, lĩnh vực. Các ngành hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng, dự ước thiệt hại 4 tháng đầu năm 2020 khoảng 6.500 tỷ đồng (doanh nghiệp thiệt hại dưới 30% doanh thu là 1.347 doanh nghiệp; thiệt hại từ 30% – 70% doanh thu là 2.115 doanh nghiệp; số doanh nghiệp thiệt hại trên 70% doanh thu là 793 doanh nghiệp).
Để hỗ trợ những khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng liên quan triển khai, thực hiện các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như Cục Thuế tỉnh triển khai thực hiện Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp; các doanh nghiệp điện, nước cũng đã triển khai miễn, giảm giá điện, nước trên địa bàn nhằm hỗ trợ người dân doanh nghiệp. Các tổ chức tín dụng đã nghiêm túc thực hiện Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước về quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Theo thống kê, hiện có 254 khách hàng (gồm 50 doanh nghiệp) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ được cơ cấu là 432,7 tỷ đồng; 673 khách hàng (gồm 258 DN) được miễn, giảm lãi với dư nợ được miễn, giảm là 1.692 tỷ đồng; 258 khách hàng (gồm 111 DN) được cho vay mới để khôi phục sản xuất với doanh số cho vay lũy kế từ 23/1/2020 là 1.063,7 tỷ đồng. Ngoài ra, có 332 khách hàng (gồm 50 DN) đang được các chi nhánh ngân hàng thương mại trình cấp có thẩm quyền xem xét cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi và cho vay mới với dư nợ 921,3 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh và đại diện cộng đồng doanh nghiệp tại Thừa Thiên Huế tham gia hội nghị
Chủ động thích ứng với điều kiện mới
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu nhận định chung là các đại biểu trong nước và quốc tế đều đánh giá cao công tác chỉ đạo chống dịch Covid-19 thành công ở Việt Nam. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã và sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế, xã hội, chính trị trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Vì thế điều quan trọng nhất hiện nay là biến những rủi ro về dịch bệnh thành cơ hội để bứt phá khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội hậu dịch.
Khẳng định vị trí của doanh nghiệp là lực lượng chủ chốt trên mặt trận kinh tế, từ đóng góp tăng trưởng đến giải quyết việc làm, thu ngân sách, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp (DN) không trông chờ ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước mà phải chủ động thích ứng với hoạt động kinh doanh trong tình hình dịch bệnh. Trước mắt, DN cần thay đổi phương thức hình thức kinh doanh phù hợp; doanh nghiệp phải được tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản trị để phát triển bền vững; đặc biệt là tập trung nâng cao năng lực áp dụng KHCN, KHKT vào sản xuất bắt kịp xu hướng 4.0, tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới.
Ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, Thủ tướng chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, đặc biệt là các địa phương cần có chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển. Trong đó, cần quan tâm về cải thiện tình hình kiểm soát, tăng cường hậu kiểm, làm nhanh các thủ tục; đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp và người lao động yếu thế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, quan tâm xử lý kiến nghị của doanh nghiệp nhanh hơn, thuận lợi hơn, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ DN thông qua việc cắt giảm các thủ tục hành chính, đồng hành cùng DN tháo gỡ khó khăn trước mắt và lâu dài để phát triển kinh tế- xã hội nhanh bền vững.
Nguồn: https://thuathienhue.gov.vn/
TIN TỨC LIÊN QUAN
Ra mắt thương hiệu xe minibus đầu tiên KIMLONG X9 tại Huế
Sáng 19/10, tại Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, Công ty cổ phần KIM LONG MOTOR HUẾ tổ chức ra mắt xe minibus thương hiệu KIMLONG X9. Tham dự có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; Tổng Giám đốc WWF-Việt Nam Văn Ngọc Thịnh; cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan và các đối tác của doanh nghiệp.
Đặc sắc chương trình nghệ thuật Áo dài – Festival Huế 2024 “Linh Phụng”
Tối 23/9, tại Nhà hát Sông Hương, số 1 Lê Lợi, Thành phố Huế đã diễn ra Chương trình nghệ thuật Áo dài – Festival Huế 2024 “Linh Phụng” trong khuôn khổ lễ hội mùa Thu. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; cùng đông đảo khán giả, du khách trong nước và quốc tế.
Xúc tiến, quảng bá, kết nối Du lịch Huế – 2024
Chiều ngày 19/9, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Hiệp Hội Du lịch Việt Nam tổ chức chương trình hội nghị “Xúc tiến, quảng bá, kết nối Du lịch Huế – 2024” giữa các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Thừa Thiên Huế với các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước. Đến dự hội nghị có ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn; UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định; lãnh đạo các sở, ban, ngành và 70 Công ty du lịch, Lữ hành trên cả nước và 60 Công ty Lữ hành trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Động thổ xây dựng nhà máy sản xuất, chế tạo động cơ ô tô với mức đầu tư 260 triệu USD
Sáng ngày 23/8, tại Khu công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Kim Long Motor Huế thuộc Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, huyện Phú Lộc đã diễn ra lễ động thổ xây dựng nhà máy sản xuất, chế tạo động cơ ô tô. Dự buổi lễ có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng chí Lê Trường Lưu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương; đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương, đối tác quốc tế.
Tập trung các giải pháp phát triển KT- XH 6 tháng cuối năm
Sáng ngày 17/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày làm việc thứ hai, HĐND tỉnh thảo luận tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kì họp lần thứ 8, phiên chất vấn, trả lời chất vấn và bế mạc kì họp. Các đồng chí: Lê Trường Lưu – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Quang Tuấn – UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Ái Vân – TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.