Chi tiết tin tức
Cải thiện môi trường đầu tư, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng
(CTTĐT) – Thời gian gần đây, cuộc đua cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được các địa phương triển khai mạnh mẽ, quyết liệt; hầu hết các tỉnh/thành phố đều rất quan tâm việc đẩy mạnh xây dựng chính quyền thân thiện, công khai minh bạch, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư, cắt giảm các chi phí không chính thức,… Không nằm ngoài cuộc đua nói trên, Thừa Thiên Huế đang ngày càng khẳng định mình xứng đáng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Đơn giản hóa các thủ tục hành chính góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Chuyển động đáng ghi nhận
02 năm trở lại đây, Thừa Thiên Huế vinh dự khi được xếp vào danh sách những tỉnh, thành phố có chỉ số PCI hàng đầu cả nước (năm 2021 vị thứ 8 và năm 2022 vươn lên thứ 6). Điều này minh chứng cho những nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thời gian vừa qua.
Hiện, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Tỉnh đã xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thực hiện quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và đã thiết lập 100% quy trình điện tử giải quyết TTHC trên phần mềm Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đến nay, 100% thủ tục hành chính trên địa bàn được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3,4 và thực hiện một cửa liên thông trên môi trường mạng; 100% UBND cấp xã có hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng mô hình một cửa điện tử hiện đại; Ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng di động, tích hợp lên ứng dụng Hue-S với trên 01 triệu tài khoản công dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia. Tỉnh cũng đã đưa vào khai thác hệ thống thông tin địa lý (GISHue); khai thác trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) với các trang thiết bị hiện đại, tích hợp các công nghệ tiên tiến… giám sát, điều hành các hoạt động của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế; môi trường sống và làm việc của người dân được cải thiện.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra các dự án đang triển khai để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Qúy Phương cho biết, chỉ số PCI đã trở thành công cụ hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách thông qua việc cung cấp các chỉ tiêu, dữ liệu về chất lượng điều hành kinh tế, yếu tố quan trọng đối với đầu tư và tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân. Những chỉ số thành phần PCI đã góp phần chỉ ra những lĩnh vực cải cách nào là cần thiết tại địa phương. Mỗi một đánh giá chưa tốt của cộng đồng doanh nghiệp là một điểm hạn chế mà tỉnh cần phải nỗ lực hơn nữa. Chính vì vậy, để sâu sát hơn đến từng cấp, từng ngành, nhiều năm liền tỉnh tiến hành đánh giá thêm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ban, ngành và địa phương (DDCI) để xác định các hạn chế mà cộng đồng doanh nghiệp đánh giá chưa cao rơi vào đơn vị nào (sở, ban, ngành hay địa phương nào), thủ tục nào, hoạt động nào, để từ đó thực hiện các biện pháp điều chỉnh tốt hơn.
Không ngừng cải thiện
Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong ban hành các chính sách tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách của Nhà nước, tiến đến tháo gỡ các rào cản, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó phải kể đến là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng chữ ký số công cộng; hỗ trợ chi phí hóa đơn điện tử; chính sách hỗ trợ mặt bằng, chi phí thuê kế toán, cải tiến công nghệ, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử,…
Nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư, Tỉnh đã thành lập 04 Tổ công tác giám sát, quản lý nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách, sớm đưa vào hoạt động đối với các dự án đã cấp phép đầu tư; sớm hoàn thành thủ tục kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Qúy Phương khẳng định, quan điểm của tỉnh là hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp phải tự xoay xở để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan dự án, dứt điểm tình trạng kéo dài thời gian xử lý thủ tục hành chính của các sở ngành cấp tỉnh; xử lý dứt điểm các vướng mắc mà dự án đang gặp phải để đẩy nhanh tiến độ.
“Tỉnh cũng thường xuyên tăng cường thực hiện các công tác đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp thông qua hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến nhằm kịp thời tháo gỡ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh cũng đang xây dựng hệ thống giải pháp quản lý rủi ro về theo dõi và giám sát hoạt động của doanh nghiệp tại địa phương nhằm xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Qúy Phương nhấn mạnh.
Với việc xác định doanh nghiệp là chủ thể quan trọng của nền kinh tế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp và đang dần nhận được sự ghi nhận của các Bộ ngành Trung ương, của người dân và doanh nghiệp, thể hiện qua vị trí xếp hạng của các chỉ số trong năm 2022 như: Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công PAPI xếp vị thứ 5 cả nước; ứng dụng CNTT (ICT-index) và chỉ số chuyển đổi số (DTI) giữ ngôi vị thứ 2; Chỉ số Cải cách hành chính (PARINDEX) xếp vị thứ 4; Và đặc biệt là chỉ số PCI, 02 năm liền Thừa Thiên Huế giữ vị trí TOP 10 cả nước: năm 2021 xếp vị thứ 8 và năm nay (2022) vươn lên vị trí thứ 6. |
Nguồn: thuathienhue.gov.vn
TIN TỨC LIÊN QUAN
Ra mắt thương hiệu xe minibus đầu tiên KIMLONG X9 tại Huế
Sáng 19/10, tại Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, Công ty cổ phần KIM LONG MOTOR HUẾ tổ chức ra mắt xe minibus thương hiệu KIMLONG X9. Tham dự có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; Tổng Giám đốc WWF-Việt Nam Văn Ngọc Thịnh; cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan và các đối tác của doanh nghiệp.
Đặc sắc chương trình nghệ thuật Áo dài – Festival Huế 2024 “Linh Phụng”
Tối 23/9, tại Nhà hát Sông Hương, số 1 Lê Lợi, Thành phố Huế đã diễn ra Chương trình nghệ thuật Áo dài – Festival Huế 2024 “Linh Phụng” trong khuôn khổ lễ hội mùa Thu. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; cùng đông đảo khán giả, du khách trong nước và quốc tế.
Xúc tiến, quảng bá, kết nối Du lịch Huế – 2024
Chiều ngày 19/9, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Hiệp Hội Du lịch Việt Nam tổ chức chương trình hội nghị “Xúc tiến, quảng bá, kết nối Du lịch Huế – 2024” giữa các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Thừa Thiên Huế với các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước. Đến dự hội nghị có ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn; UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định; lãnh đạo các sở, ban, ngành và 70 Công ty du lịch, Lữ hành trên cả nước và 60 Công ty Lữ hành trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Động thổ xây dựng nhà máy sản xuất, chế tạo động cơ ô tô với mức đầu tư 260 triệu USD
Sáng ngày 23/8, tại Khu công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Kim Long Motor Huế thuộc Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, huyện Phú Lộc đã diễn ra lễ động thổ xây dựng nhà máy sản xuất, chế tạo động cơ ô tô. Dự buổi lễ có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng chí Lê Trường Lưu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương; đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương, đối tác quốc tế.
Tập trung các giải pháp phát triển KT- XH 6 tháng cuối năm
Sáng ngày 17/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày làm việc thứ hai, HĐND tỉnh thảo luận tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kì họp lần thứ 8, phiên chất vấn, trả lời chất vấn và bế mạc kì họp. Các đồng chí: Lê Trường Lưu – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Quang Tuấn – UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Ái Vân – TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.